Sông Hồng trằn mình trôi qua thời gian và lịch sử, không chỉ bồi tụ nên địa lý, mà còn là ngọn nguồn văn hóa và những sức mạnh tiềm ẩn không thể cắt nghĩa hết được của những người dân áo vải nơi xứ sở này.
Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.
Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.
Xin trân trọng giới thiệu bài viết Sóng đỏ trời xanh cửa bể của Nhà báo Nguyễn Thành Phong.
“Lên non cho biết non cao/ Xuống bể cầm sào để biết cạn sâu”, câu ca dao bật ra đầy thú vị khi tôi đang đứng trên một con thuyền đi ngang dọc giữa cửa bể Ba Lạt. Con thuyền lớn bỗng thành như cái vỏ tấm tí hút giữa vùng trời nước thênh thang. Ngẩng đầu lên là miên man tầng không xanh ngắt, cúi xuống chạm sóng nước đỏ hồng mênh mang, rì rầm kéo mãi ra xa... Cửa bể Ba Lạt là nơi con sông Hồng, sau hành trình dài dằng dịt những thu nhận và chia sẻ, thì đến đoạn dồn nước vào biển Đông.
Đặt tay vào mái chèo, cứ mãi ngẫm nghĩ, mình được sinh ra gần bên sông Hồng, mang tiếng là người đồng bằng Bắc Bộ, gót chân thiên lý đã từng qua bao nhiêu dặm dài xa xôi và gần gũi, mà sao mãi bây giờ mới tới đây? Thế rồi vang lên những câu, sau đứng vào bài thơ mới của tôi:
“Sáng nay chèo thuyền ra cửa bể
Sông Hồng uể oải nước Hải Đông
Trời xanh sóng đỏ còn nguyên đấy
Hạt cát vùi sâu tự núi nguồn…
Tay bạt mái chèo trong gió sóng
Nước non sông núi cũng phận người
Lạch nhỏ cồn con cơn biến cố
Mới thành cửa bể mở trùng khơi…
Đời người sóng cuộn và mưa bão
Như bụi bay mờ trên mặt sông…"
(Đi thuyền ra cửa Ba Lạt, 2021)
***
Từ hồi năm tuổi, bắt đầu theo bố đi lang bạt, khi lên được phà Tân Đệ ngang sông Hồng, găm vào tôi lời cha thâm trầm: “Ta đã rời quê rồi đấy, con ạ!”. Nhưng rồi lại thấy, mỗi chặng đường đời mới lớn lên, bước chân mình đi loanh quanh sao đó mà vẫn không xa được sông Hồng. Sông Hồng vẫn đi theo mình ở những vùng đất khác. Sông Hồng không chỉ có mặt ở Thái Bình quê tôi, mà còn chảy qua nhiều nơi khác, là Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Lào Cai… Mà đấy là mới chỉ tính dòng chính, chứ chưa kể đến những chi lưu, phụ lưu. Thành ra, từ thuở hoa niên đến thanh niên, cứ đi mãi, rồi cuối cùng lại về sống bên sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội thủ đô yêu dấu của ta.
Những năm còn trẻ lắm, tôi đã đến nơi sông Hồng chảy vào đất Việt ở A Mú Sung, Lào Cai. Biên giới phía Bắc ngày ấy đang nóng bỏng. Vậy mà tôi cứ đứng nhìn xa vào bầu trời Trung Hoa mông lung, cố tìm xem nơi nào là các dãy núi Hoành Đoạn, Nguy Sơn, Đại Lý, Tường Vân cao mịt mờ 1.800 m, nơi con sông này bắt nguồn với cái tên Nguyên Giang, rồi đi qua chặng đường gần 600 km để tới nơi mình đứng. Ở đấy, sông còn dùng dằng đi ngang chừng 80 km rồi mới vào hẳn trong nước Việt. Bài hát “Gửi em ở cuối sông Hồng” lính chốt biên thời ấy rất hay hát. Chàng lính đứng ở biên giới, là đầu sông Hồng, gửi nỗi nhớ tới cho em ở cuối sông Hồng, là cửa bể Ba Lạt, mấy chục năm sau tôi mới tìm về.
Tôi cũng đã lên Mường Tè, Lai Châu, nơi sông Đà chảy vào đất Việt, đã đến Thanh Thủy, Hà Giang, nơi sông Lô chảy vào đất Việt. Sông Nguyên Giang đến đoạn ven biên giới gọi tên là sông Hồng, nhưng từ thành phố Lào Cai về Việt Trì, thì mang tên sông Thao, là dòng chính, cùng với sông Đà và sông Lô, là hai phụ lưu, cùng hợp lại ở ngã ba Bạch Hạc, nơi kinh đô cổ nhất nước Việt thời các Vua Hùng. Từ đây, lại mang tên sông Hồng và còn thêm những tên gọi khác như Hồng Hà, Nhĩ Hà, Nhị Hà, sông Cả…
Nếu chia sông ra như những đoạn đời, thì từ biên giới về Bạch Hạc là đoạn đời thiếu nữ và con gái, sông miệt mài nhận lấy nước từ ba dòng chính cùng các phụ lưu khác là sông Cầu Tây, sông Bứa, sông Gâm, sông Chảy, sông Đồng, sông Phó Đáy… để trưởng thành. Tính cả mạng lưới nhận nước thì khó đếm đến được hết những dòng chảy dồn vào sông Hồng, mang đủ những quán từ, ngoài sông, còn là ngòi, suối, nậm, huổi. Những ngòi Thia, ngòi Hút, ngòi Phát, ngòi Lao… Những suối Ba Ta, Pa Ma, Nà Thầy, Trầm, Vàng, Hội, Lặt… Những nậm La, nậm Ma, nậm Ngần, nậm Muội… Những huổi Hô, huổi Luông…
Bắt đầu từ Bạch Hạc đi tới biển Đông là đoạn đời làm mẹ, sông Hồng không nhận thêm mà chỉ phân nước ra cho các dòng sông khác là sông Đáy, sông Đuống, sông Luộc, sông Văn Úc và các con sông vùng Phủ Lý, Nam Định, rồi sông Ninh Cơ, Trà Lý... Đây chính là yếu tố để sông Hồng còn được gọi là sông Cái, sông Mẹ.
Từ điểm đầu biên giới, theo hướng Tây Bắc, Đông Nam, đến cuối sông Hồng ở bể Ba Lạt, dài 556 km. Một đoạn đường từ rừng đến biển, từ biết non cao thế nào đến biển cạn sâu ra sao, cũng không quá xa xôi, mà cũng cần đi trọn cả một đời người…
***
Sông Hồng gắn với lịch sử hình thành và phát triển của nước Việt đã mấy ngàn năm, còn cửa bể Ba Lạt thì lại rất trẻ so với cả đời sông. “Cơn biến cố” ở đoạn thơ trên của tôi là liên tưởng đến sự kiện “Ba Lạt phá hội” cách đây gần ba thế kỷ với trận lụt năm 1787. Ngày ấy, trời cao bỗng tối sầm lại sau một tiếng nổ kinh hoàng phát ra từ lòng đất, rồi nước lũ ầm ầm kéo về, cửa sông Ba Lạt nhỏ bé bị phá tan ra, tiếp đó là cửa Lân và cửa Hà Lạn của sông Ngô Đồng cũng bị “phế truất” luôn để cùng nhập vào, làm nên cửa bể Ba Lạt mới của sông Hồng mênh mông, như ngày nay hiện diện trước mắt chúng ta.
Ngồi bên cửa bể, nhìn nước sông dồn ra, thấy qua mỗi hơi thở của mình đã có cả ngàn mét khối nước phù sa hòa vào biển cả. Lưu lượng sông Hồng nơi cửa bể, cao nhất 30.000 m3/giây mùa lũ, thấp nhất 700 m3/giây mùa cạn. Nhìn ngược lên thượng nguồn mà tưởng tượng, so với nơi mình đang đứng, nước cứ cần mẫn đổ xuống, tràn qua bao nhiêu thác, ghềnh, bào gột đi bao nhiêu cát đá, dồn phù sa mấy ngàn năm làm thành đồng bằng Bắc Bộ bao la. Cứ liên tưởng, rồi thấy, những gì mình đã làm, đã đóng góp suốt cả đời mình cho đời sống này, thật đúng là chưa đáng một phần của hạt cát mà sông Hồng mang từ non cao về bồi tụ cho đồng bằng. Ngồi thưởng thức cua mực tươi ròng vừa bắt nơi cửa sông lên, nhấp chén rượu nếp cái từ mùa màng châu thổ, mà thấy đấy là ân sủng lớn lao trời đất ban cho mình…
***
Đến cửa bể Ba Lạt, sải những bước chân trên thềm phù sa non như còn ấm nóng. Bầu trời xanh ngắt hiền hòa, nhẹ bẫng những đám mây trắng bay về xa…
Không phải lúc nào, trời trên sông Hồng cũng xanh trong, yên ả. Không kể những sóng lũ, lửa cháy, giặc giã suốt chiều dài lịch sử xa xưa, chỉ nói trong thời hiện đại và chỉ ở đoạn sông qua cầu Long Biên: Bầu trời ấy đã ngút khói, nhoáng lửa khi Hà Nội bước vào cuộc kháng chiến kéo dài chín năm, đoàn quân cảm tử lặng lẽ rời Thủ đô qua gầm cầu Long Biên. Bầu trời ấy gầm rú tiếng máy bay kéo đến ném bom, cầu Long Biên sập nhịp, phải nối lại qua cầu phao bắc vội. Bầu trời ấy sũng nước trong trận lụt lịch sử năm 1971, nước tràn qua mặt cầu Long Biên, cao hơn cột đồng hồ Hà Nội. Đá núi chở về chất trên mặt cầu, cả đoàn tàu hỏa chứa đá hộc lao ra nằm yên giữa cầu trì xuống để cây cầu trụ lại. Đê Cống Thôn vỡ, tiếng nổ như chùm bom kéo dài trong đêm đen, để chia bớt nước sông Hồng…
Bây giờ, bầu trời trên sông Hồng xanh lại đã mấy chục năm rồi. Sông Hồng mấy ngàn năm chảy mãi, giờ cũng đã có vẻ mệt mỏi và già yếu đi. Nhìn sông Hồng đi qua Hà Nội mà xem có đúng thế không? Hà Nội có sông Hồng nhưng chưa mấy ai thấy thú vị vì mình đang được sống ở thành phố bên con sông lịch sử. Người Việt đang nợ sông Hồng một món nợ rất lớn.
Bây giờ chúng ta đã bàn đến việc xây dựng một quy hoạch lớn lao và dài lâu cho sông Hồng, đưa sông Hồng thành một trục động lực phát triển quan trọng của đồng bằng Bắc Bộ thời kỳ mới. Đây là một đại quy hoạch, phải cần đến tầm tư duy và tình yêu rất lớn, cần cả văn hóa, lịch sử và hội nhập quốc tế... Hãy bắt đầu bản đại quy hoạch này từ Hà Nội, rồi mở ra mười tỉnh thành có sông Hồng chảy qua và tiếp nối ra cả đồng bằng Bắc Bộ. Hà Nội phải biết cách dựa vào sông Hồng mà phát triển, từ cảnh quan môi trường, kinh tế và xã hội, thương mại và du lịch, văn hóa và liên thông, để làm hình mẫu cho người Việt biết nâng niu mà trả ơn dòng sông Mẹ đã vun đắp, bồi tụ, hết lòng vì đất nước. Trời Bắc Bộ đang xanh trong, sóng sông Hồng vẫn cuộn đỏ dưới mây lành đang dạt dào chảy ra cửa bể, hội nhập với trùng khơi…
Nói thế thì lại nhớ bài hát “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi viết vào đầu năm 1947, ngay sau khi tiếng súng Toàn quốc kháng chiến vang lên. Trong bài hát ấy, sục sôi những giai điệu của sông Hồng ngày chiến đấu: “Sông Hồng reo, Hà Nội vùng đứng lên”, “Hà Nội ầm ầm rung! Sông Hồng reo! Thét lên xung phong căm hờn sôi gầm súng”, “Hồng Hà tràn đầy, Hồng Hà cuốn, ngàn nguồn sống tràn đầy dâng”, “Hồng Hà réo sóng say sưa trông Cha bóng Người mênh mông”… Giữa thời chiến đấu ấy, đã tha thiết những ước mong ngày về chiến thắng, về Việt Nam yêu dấu với những thề nguyện phát triển thịnh vượng từ ngàn đời nay gắn với sông Hồng. “Ngày ấy” trong ca từ bài hát này không chỉ là “Ngày về chiến thắng” mà còn là những ngày chúng ta đang dựng xây hôm nay đây: “Ngày ấy chói vinh quang vang ngàn phương lời thề nước. Việt Nam yêu dấu ngả soi bóng sông Hồng Hà”…
Nhà báo Nguyễn Thành Phong
Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng
Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do Báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.
Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.
Cơ cấu giải thưởng: 01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng.
Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TP. HCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TP.HCM nhận giải.