Những đợt sóng triều dâng này cho thấy, trừ những thông tin liên quan đến bí mật quốc gia, mọi vấn đề khác nếu được lên tiếng tại diễn đàn Quốc hội sẽ chỉ có lợi hơn cho đối nội và đối ngoại.
- Cải cách kinh tế để không lệ thuộc
- 7 hạn chế trong quản lý công nhân khu công nghiệp
- Dứt khoát không chịu hèn, chịu nhục
Quốc hội khóa XIII có lẽ có sứ mệnh lịch sử gắn với biển Đông. Còn nhớ kỳ họp đầu tiên của khóa này bắt đầu vào tháng 7/2011, trùng với căng thẳng leo thang trên biển với sự kiện tàu Trung Quốc cắt cáp tàu thăm dò của Việt Nam.
Đến phiên họp giữa kỳ này vào tháng 6/2014, sức nóng của cuộc đụng độ trên biển Đông do Trung Quốc ngang ngược hạ đặt giàn khoan trên vùng biển của Việt Nam đã qua một tháng vẫn không hề sụt giảm.
Trong tình hình đó, tại phiên họp thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước cả ngày 2/6/2014, phần lớn đại biểu QH đã phát biểu tại hội trường đều ít nhiều đề cập đến tình hình biển Đông.
Thống kê cuối ngày cho thấy, đã có 47 đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội trường, còn 23 đại biểu đã đăng ký nhưng chưa có điều kiện để phát biểu, ý kiến sẽ được gửi về cho Đoàn thư ký kỳ họp tổng hợp. Chắc chắn trong số các đại biểu chưa kịp lên tiếng đó cũng sẽ có không ít ý kiến về chủ đề nóng bỏng này. Những người đại diện cho nhân dân đã lên tiếng về một chuyện mà mỗi người dân Việt Nam đều ngóng trông về - biển Đông.
Ảnh: Lê Anh Dũng |
Hơn nữa, những mong muốn, suy nghĩ, tâm tư, bức bối... của người dân đã được nói lên từ nhiều góc cạnh khác nhau. Từ phản đối hành động gây hấn của Trung Quốc, ủng hộ các đối sách của Chính phủ, đồng lòng ủng hộ các chiến sỹ thuộc các lực lượng canh giữ biển đảo, bà con ngư dân; đến những ý kiến thiết thực về chi ngân sách, đóng tàu, xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền, nâng cấp hệ thống giao thông và các công trình phòng thủ trên các đảo...; Rồi phân tích khả năng “phòng thủ” về kinh tế, hoặc các ý kiến về cải cách toàn diện để thoát khỏi tình trạng lệ thuộc vào Trung Quốc...
Ý chí của nhân dân đã được thể hiện một cách mạnh mẽ chưa từng có trên một diễn đàn lớn nhất của đất nước – phiên họp toàn thể của Quốc hội, được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên cả nước.
Những thông điệp rành mạch, rõ ràng và rung động lòng người đã được phát ra từ các đại biểu tới quốc dân đồng bào. Đó là: chúng ta “nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng của mình để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc”; “chúng ta phải luôn luôn cảnh giác và nhắc nhở ai đó còn mơ hồ về tình hữu nghị anh em, về 16 chữ vàng và 4 tốt”; “Chúng ta dứt khoát không chịu hèn, chịu nhục, và cũng không đẩy nhân dân vào chốn mũi tên hòn đạn chiến tranh”; “nên tiến hành song song, vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc vừa phải sớm đổi mới một cách mạnh mẽ hơn nữa”…
Phó CN Ủy ban Tư pháp QH Lê Thị Nga: "HIện nay, những khoảng trống về thông tin chính thức về bất kỳ vấn đề nhạy cảm nào cũng sẽ nhanh chóng được các trang mạng, Facebook lấp đầy và Nhà nước sẽ khó khăn trong định hướng ứng xử cho người dân". Ảnh: Minh Thăng |
Thực ra, những ý kiến dội lại từ lòng dân tại phiên họp toàn thể ngày 2/6 là diễn biến hoàn toàn logic của một loạt các hành động trước đó trên các diễn đàn khác nhau của Quốc hội.
Những ngọn sóng biển Đông, ngọn sóng lòng dân nối tiếp nhau, bắt đầu từ việc thảo luận, xin ý kiến ĐBQH về chương trình kỳ họp, trong phát biểu khai mạc kỳ họp của Chủ tịch Quốc hội, phiên họp kín nghe báo cáo của Chính phủ, thảo luận tổ, thông cáo báo chí của Quốc hội, ý kiến của lãnh đạo Quốc hội, các Ủy ban chủ chốt của Quốc hội về vấn đề này là Ủy ban Quốc phòng, an ninh và Ủy ban Đối ngoại, các ý kiến trả lời phỏng vấn của ĐBQH, và bây giờ là con sóng lớn dội về từ biển Đông trong một phiên họp.
Những đợt sóng triều dâng này cho thấy, trừ những thông tin liên quan đến bí mật quốc gia, mọi vấn đề khác nếu được lên tiếng tại diễn đàn Quốc hội sẽ chỉ có lợi hơn cho đối nội và đối ngoại.
Về đối nội, Chính phủ có cơ hội giải thích, trần tình; những nỗi niềm, nguyện vọng của nhân dân được phản ánh tại Quốc hội; thêm lòng tin trong nhân dân. Về đối ngoại, có thêm những tiếng nói tại Quốc hội sẽ san sẻ gánh nặng cho Chính phủ, càng tăng thêm sức nặng ngoại giao, vì đó là những tiếng nói chính danh, chính đáng nhất, của những người đã được toàn thể nhân dân ủy quyền.
Trên đà của những ngọn sóng của cá nhân từng đại biểu, như nhiều ĐBQH đã đề xuất, và cũng là ý nguyện của tất cả cử tri, Quốc hội cần có hình thức phù hợp để chuyển tải thông điệp mạnh mẽ của cả Quốc hội, cơ quan đại diện đến cử tri về quyết tâm bảo vệ chủ quyền, có thể là lời kêu gọi, tuyên bố, hoặc nghị quyết của Quốc hội.
Văn bản này sẽ là hình thức thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc, sức mạnh và vũ khí hữu hiệu để giúp chúng ta đối phó với thách thức, giành được thắng lợi trên mặt trận bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, giúp chúng ta vượt qua khó khăn trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội của đất nước hiện nay, đưa đất nước tiếp tục phát triển. Quốc hội Việt Nam là do Dân Việt đẻ ra, do Nước Việt nuôi nấng. Mỗi ĐBQH cũng đều là người con đất Việt.
Không lẽ gì mà Quốc hội và mỗi ĐBQH không bắt sóng và không thấy thôi thúc phải có hành động thích ứng trước tình hình hiện nay trên biển Đông.
Hãy để sóng lòng dân mạnh hơn nữa trong lòng nghị trường.
Nguyên Lâm