Nguy cơ thiếu nước vì xâm nhập mặn
Ông Đào Văn Thiên, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Quảng Nam cho biết, vừa qua sông Vĩnh Điện bị nhiễm mặn, nhà máy nước sạch Vĩnh Điện (cấp cho TP Hội An) dừng hoạt động.
“Tạm thời công ty thủy lợi vận hành trạm bơm Hà Châu (hồ Lai Nghi hội An) cấp thay. Nếu sông Vĩnh Điện tiếp tục nhiễm mặn thì hồ Lai Nghi không có nguồn vì nguồn hồ này lấy nước từ trạm bơm Vĩnh Điện.
Nhà máy nước Duy Xuyên ngừng hoạt động do sông Thu Bồn nhiễm mặn, Công ty sẽ vận hành tạm thời trạm bơm Châu Hiệp lấy nước sông Bà Rén cấp”, ông Thiên nói.
Cũng theo ông Thiên, nếu thời gian tới thủy điện không xả nước về đủ, các giải pháp tạm thời trên không có nguồn nước ngọt bổ sung sẽ ảnh hưởng nước sinh hoạt cho người dân.
Còn với nước dành cho sản xuất, công ty được giao phụ trách tưới cho hơn 6.000ha đất sản xuất tại các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, thị xã Điện bàn, thành phố Hội An và một phần diện tích thành phố Đà Nẵng từ nguồn nước hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn. Vụ hè thu có nguy cơ thiếu nước do mực nước các hồ thủy điện thượng nguồn đang thấp hơn quy trình vận hành liên hồ.
Trong khi đó, mỗi ngày TP Đà Nẵng sử dụng 330.00-340.000m3 nước, hiện nay chưa ghi nhận tình trạng thiếu nước. Tuy nhiên, cửa thu nước cho Nhà máy nước Cầu Đỏ, nơi cung cấp nước sạch cho thành phố những ngày qua có độ mặn xấp xỉ 1.000 mg/lít, việc thu nước gặp nhiều khó khăn.
Đài khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ dự báo, tại khu vực TP Đà Nẵng, tình trạng xâm nhập mặn ở hạ lưu các sông có khả năng tăng trong tháng tới, ảnh hưởng xấu đến nguồn nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt tại địa phương.
Đà Nẵng có văn bản gửi 2 bộ đề nghị điều tiết nước từ các hồ thủy điện
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam Trương Xuân Tý cho biết, các hồ chứa thủy điện đang thiếu hụt nguồn nước.
“Giai đoạn này chưa cấp nước để sản xuất nên địa phương cho dừng vận hành các thủy điện đến ngày 10/5 nhằm cải thiện nguồn nước phục vụ cho vụ hè thu”, ông Tý nói.
Cũng theo ông Tý, UBND tỉnh đã yêu cầu các Công ty thủy điện Sông Bung, A Vương, Sông Tranh nhằm đưa mực nước các hồ chứa về theo quy trình vận hành liên hồ chưa trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn.
Cùng với đó, tập trung sửa chữa các công trình cấp nước sạch nông thôn để đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân. Huy động người dân thực hiện công tác nạo vét kênh mương, sửa chữa các công trình thủy lợi nhỏ, đào ao trữ nước, đóng giếng, lắp đặt trạm bơm dã chiến, thu giữ nguồn nước hồi quy, đắp bờ giữ nước, tận dụng mọi nguồn nước phục vụ sản xuất.
Sở Xây dựng có công văn gửi Công ty cổ phần Cấp nước Đà Nẵng đề nghị công ty phải thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình nhiễm mặn tại cửa thu nước thô vào nhà máy nước Cầu Đỏ và mực nước tại đập dâng An Trạch.
Bên cạnh đó, vận hành tối đa năng lực hiện có của các trạm bơm phòng mặn trong trường hợp nước sông Cẩm Lệ bị nhiễm mặn nặng. Nếu xác định có nguy cơ thiếu nước, công ty khẩn trương báo cáo Sở để kịp thời tham mưu các phương án phù hợp. Tuyệt đối không để bị động trong việc triển khai các giải pháp cấp nước cho thành phố.
Trong khi đó, UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản gửi Bộ TN&MT, Bộ Công Thương về việc đề nghị chỉ đạo thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm đảm bảo nguồn nước cấp cho TP trong các tháng còn lại của mùa khô năm 2023
UBND TP đề nghị Bộ TN&MT chỉ đạo Cục Quản lý tài nguyên nước và các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát việc vận hành các hồ chứa theo quy trình liên hồ…
Đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ thực hiện huy động điện của các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn phù hợp với yêu cầu về thời gian, lưu lượng xả của từng hồ trong mùa cạn. Ưu tiên dành nước của các hồ chứa thủy điện phục vụ phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; bảo đảm cấp nước an toàn cho vùng hạ du sông Vu Gia – Thu Bồn đến cuối mùa hạn.