Gia đình tôi có chị gái mắc ung thư gan khiến những người thân còn lại rất lo lắng. Xin bác sĩ cho biết nhóm người có nguy cơ mắc ung thư này và cách phòng tránh bệnh? Độc giả Hùng Anh (Ninh Bình)
Bác sĩ Hà Hải Nam, Phó trưởng khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K Trung ương, tư vấn:
Ung thư gan gồm 2 thể là nguyên phát và thứ phát. Thể thứ phát do các tế bào ung thư ở bộ phận khác di căn vào gan gây ra các khối u. Trong khi đó, thể nguyên phát là bệnh lý ác tính của gan xảy ra khi tế bào bình thường của gan trở nên đột biến về hình thái và chức năng.
Ung thư gan nguyên phát gồm 3 loại chính: Ung thư biểu mô tế bào gan (phát triển từ tế bào gan), ung thư biểu mô đường mật (phát triển từ đường mật trong gan) và u nguyên bào gan (Hepatoblastoma). Trong đó, ung thư biểu mô tế bào gan là hay gặp nhất.
Những đối tượng có nguy cơ cao cần tầm soát ung thư gan:
Những người mắc bệnh về gan và người có tiền sử gia đình mắc ung thư gan:
Những người mắc bệnh viêm gan virus B, C, xơ gan, gan nhiễm mỡ… hoặc trong gia đình có người mắc ung thư gan rất cần được tầm soát. Đặc biệt, người mắc viêm gan B, C thể hoạt động cần điều trị sớm sẽ tránh nguy cơ biến chứng thành ung thư gan.
Bởi virus viêm gan B và C là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư tế bào gan nguyên phát. Các bệnh viêm gan do nguyên nhân tự miễn, có thể đi kèm các bệnh tự miễn khác như đái tháo đường type 1, Basedow, viêm khớp dạng thấp, Lupus ban đỏ... cần điều trị các bệnh tự miễn để tránh biến chứng sang gan về sau.
Người chưa tiêm vắc xin phòng virus viêm gan B nên tiêm phòng sớm nhất để tránh nguy cơ nhiễm bệnh về sau.
Những người béo phì, tiểu đường:
Trong vài năm gần đây, tỷ lệ người mắc bệnh tiểu đường, béo phì kèm theo ung thư gan trên thế giới đã gia tăng đáng kể. Đường máu và mỡ máu cao, sẽ được tích tụ tại gan, dẫn đến tổn thương thoái hoá các tế bào gan và dẫn tới xơ gan, làm tăng nguy cơ ung thư gan.
Người uống nhiều đồ uống có cồn:
Rượu, bia có khả năng thúc đẩy gen sinh ung thư phát triển nhanh, dẫn đến ung thư sớm. Acetaldehye được sinh ra trong quá trình chuyển hóa rượu cũng làm suy yếu khả năng sửa chữa sai sót tự nhiên DNA của tế bào, gây tăng nguy cơ đột biến tế bào, từ đó khối ung thư sẽ hình thành.
Ngoài ra, rượu còn gây tổn thương các tế bào gan. Khi uống quá nhiều rượu, chức năng thải độc của gan sẽ bị quá tải, các tế bào gan bị tổn thương trầm trọng, hình thành nên các mô sẹo, xơ, từ đó hình thành các bè gan xơ và ung thư gan.
Những người ăn thực phẩm nấm mốc:
Aflatoxin trong nấm mốc là loại độc tố gây ung thư gan mạnh nhất hiện nay. Aflatoxin gây ung thư gan bằng cách gây đột biến ở gen p53. Nấm mốc thường xuất hiện ở những thực phẩm bảo quản, lưu trữ trong môi trường nóng, ẩm như gạo, lạc, đậu tương, lúa mì, ngô…
Người hay ăn thịt tươi sống nhiễm sán:
Thực phẩm tươi sống không được chế biến kỹ càng (như ăn gỏi) thường chứa nhiều loại sán (sán lá gan lớn, sán lá gan nhỏ…). Trong đó, nhiều loại sán khi xâm nhập vào cơ thể sẽ phá hủy gan, gây ung thư gan.
Người lạm dụng thuốc, hóa chất gây tổn thương gan:
Một số thuốc, hóa chất nếu sử dụng hay tiếp xúc trong thời gian dài có thể gây tổn thương cho gan và dẫn tới ung thư gan như thorotrast (trước đây được sử dụng cho chẩn đoán hình ảnh), vinyl chloride (sử dụng trong công nghiệp nhựa)…
Người sử dụng chất kích thích:
Các chất kích thích như thuốc lá, cà phê nếu sử dụng với hàm lượng nhiều, trong thời gian dài có thể gây nên các bệnh về gan, trong đó có ung thư gan.
Trên đây là 7 nhóm đối tượng nguy cơ, rất cần được sàng lọc sớm các bệnh về gan nói chung và bệnh ung thư gan nói riêng.
Việc khám kiểm tra ung thư gan không quá phức tạp. Thông thường, các bác sĩ sẽ chỉ định làm xét nghiệm chỉ số ung thư gan (Alphafetoprotein-AFP) và siêu âm hình thái gan đánh giá về nguy cơ đối với lá gan. Sau đó, nếu nghi ngờ, các bác sĩ sẽ làm thêm một số xét nghiệm khác để chẩn đoán xác định.
Ung thư gan hiện nay vẫn là nỗi ám ảnh với nhiều người vì tiên lượng khó hơn các bệnh ung thư khác và đặc biệt đây là căn bệnh đang gia tăng ở Việt Nam.
Cách tốt nhất để phòng ngừa, phát hiện ung thư gan là khám sức khỏe định kỳ, siêu âm gan 6 tháng/lần, đặc biệt là những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao như xơ gan, viêm gan mạn tính do rượu, viêm gan virus B, C...
Ngoài ra, chúng ta nên tiêm đầy đủ vắc xin phòng viêm gan B, tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hại dễ làm tổn thương gan để giảm nguy cơ mắc bệnh.