Kỷ niệm Quốc khánh 2/9 năm nay là dịp hướng tới 35 năm ngày mất của cố Tổng Bí thư Trường Chinh (30/9/1988-30/9/2023). Đây cũng là lúc để chúng ta ôn lại những đóng góp to lớn của ông đối với Đảng, với nhân dân Việt Nam với tư cách một nhà lãnh đạo kiệt xuất.
Năm 1974, tôi là sinh viên Khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Một hôm, văn phòng Khoa Ngữ Văn có gọi tôi lên. Thầy trợ lý giáo vụ khoa hỏi tôi với vẻ nghiêm trang “cậu có quan hệ với ai ở CP 25 thì cho biết?”.
Tôi ớ người ra vì lần đầu tiên nghe thấy tên phiên hiệu này. Tôi trả lời thầy là không biết CP25 là gì. Thầy đáp: "CP25 là Văn phòng Trung ương Đảng. Có bì thư từ cơ quan này gửi cậu”.
Tôi lúng túng và vẫn không hiểu chuyện gì xảy ra. Thầy nói tiếp: “Cậu có thể bóc ra xem có đúng không vì bì thư ghi họ tên cậu nhưng không ghi rõ học năm nào”.
Tôi bóc thư, đọc thì vỡ lẽ, ông Nguyễn Giáp - thư ký giúp việc của Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh - báo rằng ông Trường Chinh muốn gặp tôi vào một ngày Chủ nhật cận kề. Tôi báo cáo thầy chỉ là việc gia đình vì ông Trường Chinh là cháu gọi cụ nội tôi là cậu ruột.
Có lẽ chuyện không có gì đáng nói, nhưng qua đó tôi càng hiểu ông là người rất cẩn thận và là một nhà văn hoá lớn, luôn quan tâm đến đời sống văn hoá nghệ thuật nước nhà.
Khi tôi đến tư gia (biệt thự công vụ tại phố Nguyễn Cảnh Chân) chào ông, ông hỏi luôn: “Cháu nhận thư của Văn phòng Trung ương và ra thế này có gì phiền hà không?”.
Tôi kể lại chuyện trên cho ông nghe. Ông bảo: “Bữa trước, xuống Hải Phòng thăm ông nội cháu, nghe nói cháu đang học ngành Văn, Trường ĐHTH nên ông muốn gặp cháu hỏi chuyện”. Sau đó, ông mang ra bàn nước cuốn sách "Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hoá Việt Nam" mới tái bản.
Ông Trường Chinh tâm sự rằng, trong lúc chờ tôi đến, ông đã ký tặng. Ký xong lại thấy có gì đó không ổn. Ông nói thêm tôi đang đi học, ký thế này có lẽ không nên nhưng vẫn chờ tôi đến, trao đổi thêm xem ý tôi thế nào.
Tôi vừa mừng khi thấy nét chữ ông ký tặng lại vừa hụt hẫng khi nghe ông tâm sự rất chân tình.
Tuy rất tiếc nhưng tôi trả lời ông nghĩ thế là đúng. Ông nói “vậy xé trang sách có chữ ký”. Rồi ông đi đến bàn làm việc, cầm chiếc thước kẻ, cẩn thận đặt vào trang sách rồi mới xé. Cuốn sách tuy chỉ gần 100 trang thế nhưng có những câu thiếu mất 1 dấu chấm và 1 dấu phẩy, ông lấy bút đỏ chỉ ra chỗ có lỗi và sửa trước khi đưa tặng tôi.
Tôi chợt nhớ, trong kháng chiến ông đã có bí danh Năm Thận. Điều này thể hiện tính cẩn thận của ông.
Ông còn hỏi tôi có cần sách nghiên cứu về văn học nghệ thuật khác thì ông sẽ cho mượn nếu có. Tôi mừng như mở cờ trong bụng và hỏi luôn ông xem có cuốn "Mác, Ăng ghen, Lê nin bàn về Văn học Nghệ thuật". Ông hỏi: “Cuốn này thư viện không có sao?”.
Tôi thưa với ông rằng trong khoa cũng nhưng quá ít. Ai mượn cũng phải trả ngay, mà cuốn sách đó luôn cần để tra cứu mỗi khi đến kỳ thi... Sau đó, tôi được biết cuốn này ông cũng không lưu vì đã có người mượn.
Thật cảm động, khoảng 3-4 tháng sau, ông Trường Chinh nhắn tin gọi tôi đến nhưng qua con đường khác. Ông đã hiểu sự tế nhị và phức tạp của chuyện gọi tôi lần trước. Ông tặng tôi cuốn sách vô cùng quý giá.
Ông kể rằng, khi tôi về, ông hỏi thêm bên Văn phòng Trung ương, họ nói thư viện cũng không còn cuốn nào. Ông lại gọi điện hỏi lãnh đạo Nhà xuất bản Sự thật thì được biết cuốn sách trên cũng in từ cả chục năm trước mà chưa tái bản. Và thật bất ngờ, ngay sau lần ông hỏi thì nhà xuất bản cho tái bản kịp thời.
Sự chu đáo và cẩn thận ở ông quả là đặc biệt. Ông còn cả ngàn việc hệ trọng phải làm mỗi ngày, vậy mà vẫn nhớ cuốn sách tôi mong muốn.
Sau này, trong mấy năm còn học đại học, mỗi khi có sách mới, ông lại gọi tôi đến để tặng. Ông vẫn không hề kí tặng tôi. Sau này, khi đã đi làm, ông mới ký tặng sách cho tôi mỗi khi có sách ra mắt bạn đọc…
Là một trong những nhà lý luận chiến lược của Đảng ta, cố Tổng Bí thư Trường Chinh đã để lại nhiều tác phẩm lý luận có giá trị: Chống chủ nghĩa cải lương; Vấn đề dân cày (viết chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp); Chính sách mới của Đảng; Kháng chiến nhất định thắng lợi; Bàn về cách mạng Việt Nam; Nắm vững ba bài học lớn để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược… Thông qua các tác phẩm đó đã góp phần làm rõ 2 vấn đề lý luận: Về phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh "Văn hoá, nghệ thuật là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy", ở mỗi chặng đường lịch sử của dân tộc, trước mỗi thử thách của cách mạng, cố Tổng Bí thư Trường Chinh, dù với cương vị nào cũng đều đánh giá đúng tình hình, nêu lên trách nhiệm cụ thể của văn hoá.
Hàng loạt tác phẩm, các bài viết của ông tạo nên một hệ thống hoàn chỉnh những quan điểm đúng đắn, sắc bén và sáng tạo của Đảng ta trong việc vận dụng chủ nghĩa Mác -Lê Nin vào văn hoá và nghệ thuật. Đề cương Văn hoá Việt Nam năm 1943 là một trong những tác phẩm mang tính thời sự và có giá trị mang tính trường tồn. Đó là cơ sở lý luận cho việc xây dựng một nền văn hoá mới Việt Nam theo phương châm Dân tộc, Khoa học và Đại chúng. Đề cương chứng tỏ tầm nhìn chiến lược của một lãnh tụ có kiến thức uyên thâm của một nhà văn hoá lớn.
Cố Tổng Bí thư Trường Chinh đi xa đã 35 năm. Sự nghiệp cách mạng của cả cuộc đời ông thực sự là một tấm gương sáng để hậu thế học tập.