Nhắm vào mong muốn làm giàu nhanh của nhiều người, cái gọi là dự án này đã nhanh chóng lôi kéo được hàng ngàn người tham gia.
Ngoài hứa hẹn lãi lớn, dự án còn đưa ra chế độ hoa hồng hấp dẫn khó cưỡng. Cứ giới thiệu được những người F1 được hưởng ngay 20% hoa hồng, F2 là 10%. Ví dụ: giới thiệu được một người tham gia gói 30.000 USD, người giới thiệu mỗi tháng sẽ được hưởng 6.000 USD hoa hồng, tương đương khoảng 140 triệu đồng.
Anh Nguyễn Minh Cường, người tham gia King of Invest, cho biết: "Vì lợi nhuận cao vậy nên tôi đã đầu tư vào đây, đồng thời mời một số anh em bạn bè, người thân của mình cùng tham gia vào mô hình King of Invest với số tiền 30.000 USD, tương đương 720 triệu".
Hứa hẹn thì hay nhưng không ít người cho biết: sau khi bỏ tiền vào vào dự án, sau nhiều tháng vẫn không nhận được tiền lãi và tiền hoa hồng như đã cam kết. Thay vào đó, số tiền thật đầu tư lại được dự án chuyển thành cái gọi là tiền điện tử có tên là CXC. Theo đó, mỗi đồng CXC lại được 1 nhóm người tự quy ước ra đồng USD với khoảng cách rất lớn, từ 0,1 USD đến 9 USD.
Chị Trần Thị Lý, người tham gia King of Invest, chia sẻ: "Đồng CXC đang từ 0,1 USD khi nhà đầu tư nhận lãi thì chuyển lên từ 3 USD, 4 USD nghĩa là tiền nhận lãi về rất là ít".
Theo các luật sư, cái gọi là tiền điện tử CXC không có giá trị pháp lý, không được công nhận tại Việt Nam. Các nhóm người tự lập ra đồng CXC này nhằm mục đích tạo ra thị trường mua bán để thu hút người chơi mới. Các luật sư cũng cho rằng, không loại trừ khả năng, cũng chính nhóm người này đã tự làm cho đồng CXC lên xuống để thay đổi giá trị của các khoản tiền huy động được từ những người tham gia.
Luật sư Nguyễn Thị Hồng Linh, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội: Trên thực tế đây là mô hình lấy tiền của người sau chi cho người trước. Hiện nay ở Việt Nam chỉ có một cơ quan phát hành và lưu thông duy nhất là tiền đồng Việt Nam và chỉ có Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới phát hành đồng tiền, hoạt động tiền ảo chưa có căn cử pháp lý ở Việt Nam. Việc phát hành ra loại tiền ảo CXC này là không phù hợp với pháp luật, kết hợp với việc chuyển tiền của nhà đầu tư sang tiền ảo này là hoạt động huy động vốn trái phép.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội: Họ đang kết hợp giữa kinh doanh đa cấp và môi trường internet trên môi trường không gian mạng. Họ đưa ra vấn đề kinh doanh chỉ số Forex đây là một dạng môi trường số, sản phẩm số đang bị cấm kinh doanh trong nghị định về quản lý kinh doanh đa cấp tại nghị định 40/2018 điểm B khoán 2 điều 4 quy định rõ.
Bộ Công an cảnh báo hiện Việt Nam chưa công nhận đồng tiền điện tử hay tiền mã hóa nào, nhà đầu tư tham gia mô hình này chỉ là giao dịch ảo trên môi trường Internet. Những tiền điện tử mà họ tự quy ước, chỉ có thể trao đổi trong nội bộ chứ không có giá trị bên ngoài hệ thống. Ngoài ra, theo các chuyên gia, với mô hình hoạt động kể trên, khi số tiền của người tham gia sau, không đủ trả lãi cho người tham gia trước thì mô hình sẽ sụp đổ. Lúc này việc đòi lại tiền sẽ vô cùng khó khăn, gần như là không thể lấy lại được.
(Theo VTV)