"Nếu các bạn để ý, Nga vừa phóng tên lửa siêu vượt âm vì đó là thứ duy nhất có thể giúp họ vượt qua (trở ngại) một cách chắc chắn... Đó là một vũ khí gây hậu họa... Gần như không thể ngăn chặn nó. Có lí do khiến họ dùng nó", ông Biden tuyên bố hôm 21/3.

{keywords}
Nga tuyên bố đã dùng tên lửa siêu vượt âm Kinzhal tấn công mục tiêu quân sự ở Ukraine ngày 18/3. Nguồn: CSIS. Đồ họa: Rafa Estrada

Tuy nhiên, tình báo Anh và Bộ Quốc phòng Mỹ đã hạ thấp việc Nga sử dụng tên lửa siêu vượt âm Kinzhal phóng từ trên không. "Tôi sẽ không coi đó là một nhân tố thay đổi cuộc chơi", lãnh đạo Lầu Năm Góc Lloyd Austin nói trong chương trình "Face the Nation" của đài CBS.

Bộ Quốc phòng Anh cho rằng, tên lửa Kinzhal thực chất chỉ là phiên bản phóng từ trên không của tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander (SRBM) mà Nga đã nhiều lần sử dụng trong chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Sự sợ hãi về tên lửa siêu vượt âm

Theo CNN, về cơ bản, tất cả các tên lửa đều siêu vượt âm, tức là chúng di chuyển với tốc độ ít nhất gấp 5 lần tốc độ âm thanh. Hầu như bất kỳ đầu đạn nào phóng ra từ tên lửa di chuyển hàng kilômét trong bầu khí quyển sẽ đạt tốc độ này khi hướng tới mục tiêu. Đây không phải là một công nghệ mới.

Thứ các cường quốc quân sự, bao gồm cả Nga, Trung Quốc, Mỹ và Triều Tiên, đang nghiên cứu hiện nay là phương tiện lượn siêu vượt âm (HGV). HGV là thiết bị mang tải trọng cơ động cao, về mặt lý thuyết có thể bay với tốc độ siêu âm trong khi điều chỉnh hướng di chuyển và độ cao để bay ngoài khả năng phát hiện của radar và xung quanh các hệ thống phòng thủ tên lửa.

HVG là vũ khí gần như không thể ngăn chặn và Nga được tin đang sở hữu một loại HVG trong kho vũ khí của họ là hệ thống Avangard. Tổng thống Nga Vladimir Putin vào năm 2018 từng mô tả Avangard là "bất khả xâm phạm" đối với các hệ thống phòng không của phương Tây.

Tuy nhiên, Kinzhal, một biến thể của tên lửa Iskander SRBM không phải là HGV. Theo một báo cáo hồi năm ngoái của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), mặc dù có khả năng cơ động hạn chế như Iskander, nhưng lợi thế chính của Kinzhal là có thể được phóng từ máy bay chiến đấu MiG-31, giúp nó có tầm hoạt động xa hơn và khả năng tấn công từ nhiều hướng.

{keywords}
Chiến đấu cơ MiG-31 mang theo tên lửa Kinzhal. Ảnh: AP

"MiG-31K có thể tấn công từ những hướng không thể đoán trước cũng như có thể tránh các nỗ lực bắn chặn. Phương tiện chuyên chở trên không này cũng có khả năng sống sót cao hơn so với hệ thống phóng Iskander di động trên mặt đất", trích báo cáo của CSIS.

CSIS cũng lưu ý, Iskander phóng từ mặt đất đã cho thấy dễ bị tổn thương trước các hệ thống phòng thủ tên lửa trong cuộc chiến Nagorno-Karabakh năm 2020, trong đó lực lượng Azeri đã đánh chặn thành công một tên lửa Iskander của Armenia.

"Điều này ám chỉ các tuyên bố về khả năng bất khả xâm phạm của Kinzhal trước các hệ thống phòng thủ tên lửa cũng có thể hơi phóng đại", báo cáo của CSIS kết luận.

Ukraine có "rào chắn" tên lửa?

Mỹ và các đồng minh NATO đã và đang gửi một số hệ thống tên lửa đất đối không đến Ukraine để hỗ trợ phòng thủ cho quốc gia Đông Âu. Theo một quan chức cấp cao của Mỹ, những hệ thống bổ sung này bao gồm các "rào chắn" tên lửa di động SA-8, SA-10, SA-12 và SA-14 có từ thời Liên Xô.

CNN dẫn các nguồn thạo tin tiết lộ, Slovakia, một nước thành viên NATO, thậm chí đã đồng ý chuyển giao cả các tổ hợp phòng thủ tên lửa S-300 tốt hơn cho Ukraine khi nước này nhận được sự thay thế phù hợp từ các đối tác trong liên minh.

Lí do ông Putin dùng tên lửa siêu vượt âm Kinzhal

Việc quân đội Nga sử dụng tên lửa Kinzhal ở Ukraine đánh dấu việc hệ thống này lần đầu được dùng cho chiến đấu. Theo các thông số kỹ thuật do Moscow công bố, tên lửa này có tầm bắn tới 2.000km và có thể đạt vận tốc tối đa gấp 10 lần âm thanh, tương đương Mach 10 (12.350 km/h).

Đoạn video ghi lại cảnh tên lửa siêu vượt âm Nga nhắm bắn một kho đạn dược của Ukraine. Nguồn: Bộ Quốc phòng Nga công bố 

Bộ Quốc phòng Nga thông báo: “Ngày 18/3, hệ thống tên lửa trên không Kinzhal với các tên lửa đạn đạo siêu vượt âm đã phá hủy một kho tên lửa và đạn dược lớn dưới lòng đất của quân đội Ukraine ở làng Delyatin, vùng Ivano-Frankivsk”.

Các quan chức Mỹ sau đó xác nhận, Nga đã phóng các tên lửa siêu vượt âm nhằm vào Ukraine và họ có thể lần theo dấu vết các vụ phóng theo thời gian.

Nhiều nguồn tin nhận định, các vụ phóng có thể nhằm mục đích kiểm tra vũ khí và gửi thông điệp tới phương Tây về khả năng của Nga. 

Bộ Quốc phòng Anh nhận định, Moscow có thể đã triển khai Kinzhal để "phân tán chú ý khỏi sự thiếu tiến triển trong chiến dịch trên bộ của các lực lượng Nga".

Trong cuộc phỏng vấn với đài CBS, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin cũng có quan điểm tương tự. Ông cho rằng, Tổng thống Putin có thể đang "cố gắng thiết lập lại một số động lực" trong cuộc chiến ở Ukraine.

Tuấn Anh

Nga dùng vũ khí siêu thanh, tranh giành nhà máy thép với Ukraine

Nga dùng vũ khí siêu vượt âm, tranh giành nhà máy thép với Ukraine

Tại thành phố cảng bị vây hãm Mariupol, các lực lượng Nga và Ukraine đang giao tranh để giành quyền kiểm soát nhà máy thép Azovstal, một trong những nhà máy lớn nhất châu Âu.