Để chuẩn bị cho tổng kết, đánh giá 5 năm triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam và hướng tới mục tiêu đã được Đảng, Chính phủ xác định là xây dựng một xã hội học tập, sáng 17/4, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Xuất bản Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Xây dựng và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng”.

 

{keywords}
Tham dự Hội nghị có ông Hoàng Vĩnh Bảo - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (giữa), ông Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung Ương – Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam, ông Chu Văn Hoà – Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cùng nhiều nhà nghiên cứu, cơ quan ban ngành. 


Phát biểu tại đề dẫn của Hội nghị, ông Chu Văn Hoà, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho rằng, trong đời sống tinh thần của mỗi chúng ta, sách luôn đóng vai trò quan trọng, bởi thông qua sách, tất cả các tri thức, vốn hiểu biết, thế giới tinh thần - tình cảm của con người được bảo tồn, lưu giữ và phát huy tác dụng trong đời sống, góp phần giáo dục, hoàn thiện nhân cách con người và thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội.

Vì vậy, khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng đồng nghĩa với việc thực hiện mục tiêu xây dựng nền tảng tri thức trong mỗi con người, mỗi gia đình và toàn xã hội. Đánh giá cao tầm quan trọng của sách và việc đọc sách, ngày 24/02/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đây chính là cột mốc quan trọng để khuyến khích và phát động phong trào đọc sách, viết sách, quảng bá và lưu giữ sách trên phạm vi toàn quốc.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận những nhóm vấn đề chính: Đánh giá nhu cầu tiếp cận tri thức thông qua sách trong những năm qua; những cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với việc phát triển văn hóa đọc. Từ đó, khẳng định tính đúng đắn, sự phù hợp với thực tiễn của việc ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam; Phân tích những kết quả, những mặt đã làm được và chỉ rõ những hạn chế, vướng mắc trong việc xây dựng và phát triển phong trào đọc sách hiện nay, cũng như việc triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam; Đánh giá những phương án tổ chức triển khai, những cách làm hiệu quả cần nhân rộng; đề xuất, kiến nghị những giải pháp cụ thể, có tính khả thi nhằm phát triển phong trào đọc sách, nâng cao và phát triển văn hóa đọc.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng, các tham luận tại hội nghị rất thiết thực, nêu bật được những kết quả và chỉ rõ hạn chế trong vấn đề xây dựng và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng.

 

Bà Trần Phương Lan (Thư viện Quốc gia Việt Nam) cho rằng: Những thay đổi và phát triển qua từng giai đoạn của ngành thư viện Việt Nam là một minh chứng cho thấy chúng ta không đứng ngoài sự phát triển chung của xã hội. Thư viện là một thiết chế văn hoá, là “xương sống” thúc đẩy sự phát triển của mỗi quốc gia, thư viện là công cụ hình thành văn hoá đọc cho mỗi quốc gia. Văn hoá đọc của mỗi quốc gia được tạo bởi thói quen đọc sách của số đông nhân dân vì số đông những người dân hiểu rằng sách là chìa khoá của tri thức. Bằng sự nỗ lực của toàn ngành, Thư viện Việt Nam đang ngày càng góp phần tích cực vào công cuộc duy trì, phát huy thói quen đọc sách trong toàn dân, đóng góp tích cực vào việc phát triển văn hoá đọc và xây dựng lối sống lành mạnh trong xã hội Việt Nam giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện Việt Nam trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 đang chiếm lĩnh mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, bà Trần Phương Lan cũng có những đề xuất như: Bộ VHTT&DL tổ chức nghiên cứu, đánh giá tác động của công nghệ mới trong hoạt động thư viện, xác định những hạng mục ưu tiên đề có những chính sách phù hợp; Cần được đầu tư xây dựng hạ tầng CNTT mạnh mẽ (phần cứng và phần mềm), đảm bảo là đầu mối tích hợp dữ liệu số, xây dựng Bộ sưu tập số quốc gia, đồng thời là trung tâm bảo quản tài liệu số quốc gia,…

 

{keywords}
Khuyến đọc không những tạo lượng cầu sách cho thị trường, nuôi sống hệ thống xuất bản, đánh thức tiềm năng lao động trí não của tầng lớp trí thức, tạo ra hệ thống thư viện rộng khắp đến lớp học, hộ dân, khu dân cư.., mà còn tạo sinh khí cho xã hội.


Ông Nguyễn Quang Thạch, người sáng lập chương trình Sách hóa Nông thôn Việt Nam phát biểu: Trong những năm qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam mừng tuổi sách và vận động học sinh dùng tiền mừng tuổi để mua sách cho mình và tặng bạn bè vào dịp Tết 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công An cũng phát động việc tặng sách trong dịp Tết 2019. Hình ảnh này đã tạo hiệu ứng tốt trong cộng đồng, giúp phụ huynh và học sinh nhận thức tốt hơn về tầm quan trọng của việc đọc sách, góp phần xây dựng văn hoá đọc.

Các cơ quan báo chí truyền thông cũng đã góp phần đáng kể trong việc xây dựng văn hoá đọc bằng việc xây dựng các phóng sự và bài viết về các mô hình tủ sách trong hơn 10 năm qua với khoảng 400 bài báo, phóng sự truyền thanh, truyền hình.

“Với nỗ lực của cả người dân và Nhà nước bước đầu đã tạo ra những sự thay đổi tích cực trong văn hoá đọc ở cộng đồng. Tuy nhiên kết quả vẫn mới chỉ là vài hàng gạch cho một ngôi nhà 5 tầng cần xây dựng", ông Nguyễn Quang Thạch phát biểu.

Ông Nguyễn Quang Thạch cho rằng, để phát triển phong trào đọc sách hơn nữa trong xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng tiêu chuẩn khuyến đọc và thư viện. Khuyến đọc không những tạo lượng cầu sách cho thị trường, nuôi sống hệ thống xuất bản, đánh thức tiềm năng lao động trí não của tầng lớp trí thức, tạo ra hệ thống thư viện rộng khắp đến lớp học, hộ dân, khu dân cư.., mà còn tạo sinh khí cho xã hội.

“Cục Xuất bản, In và Phát hành thuộc Bộ Truyền thông và Thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có Cục Khuyến đọc để đánh thức tiềm năng nghe và đọc sách của hơn 22 triệu học sinh và sinh viên. Bạn đọc chủ yếu trong xã hội do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý và phổ biến tri thức. Sự thiếu vắng khuyến đọc trong nhiều thập niên qua đã gây ra siêu lãng phí sự sáng tạo quốc gia”, ông Nguyễn Quang Thạch chia sẻ.

Theo PGS.TS.Nguyễn An Tiêm - Hội Xuất bản Việt Nam, để duy trì và phát triển văn hóa đọc, việc xây dựng các giải pháp nên chăng cần hướng vào một số vấn đề chủ yếu như: Có cơ chế khuyến khích các sản phẩm sách hay, có giá trị; Đổi mới và đẩy mạnh công tác lý luận, phê bình; Cần có thêm nhiều giải thưởng văn học quốc gia; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về sách trên các phương tiện thông tin đại chúng,...

Kết thúc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng, các tham luận tại hội nghị rất thiết thực, nêu bật được những kết quả và chỉ rõ hạn chế trong trong vấn đề xây dựng và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng. Thứ trưởng cho rằng, những bài học về phong trào đọc sách như ở Nam Định, Thái Bình nên được nhân rộng. Làm được điều này, tất cả các Bộ ban ngành đều phải vào cuộc.

Tình Lê

Tippi hoang dã và thông điệp làm bạn với thiên nhiên

Tippi hoang dã và thông điệp làm bạn với thiên nhiên

Tippi hoang dã - cuốn sách đánh thức bạn đọc nhỏ tuổi về một thông điệp đầy giá trị: hãy làm bạn với thiên nhiên.