- Dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục hiện hành nếu được thông qua, sẽ có hơn 80.000 giáo viên mầm non dưới chuẩn cần phải đào tạo lại.
Giáo viên dưới chuẩn sẽ giảm dần khi luật sửa đổi có hiệu lực
Theo báo cáo thống kê của Bộ GD-ĐT, tổng số giáo viên mầm non cả nước trong năm học 2017 - 2018 là 337.488 người, trong đó giáo viên nữ là 336.616 (chiếm 99,7%); giáo viên biên chế là 208.574 (chiếm 61,8%), số giáo viên đạt chuẩn (trình độ trung cấp trở lên) là 332.403 (chiếm 98,5%).
Với số liệu thống kê năm học 2016 - 2017, nếu theo chuẩn trình độ được đào tạo hiện hành thì số giáo viên mầm non đạt và vượt chuẩn trình độ chuyên môn là 332.403 (chiếm 98,5%).
Cô giáo mầm non ở Gia Lai. Ảnh: Thanh Hùng |
Nếu theo Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) yêu cầu trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non là tốt nghiệp cao đẳng sư phạm thì số lượng giáo viên mầm non chưa đạt chuẩn tổng cộng là 107.150, chiếm 33,8% (29,221 giáo viên ở bậc nhà trẻ và 77,929 giáo viên ở bậc mẫu giáo).
Tuy nhiên, đây là số liệu của năm học 2016 - 2017. Nếu ước tính vào thời điểm Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực (đầu năm 2019) thì số lượng giáo viên mầm non chưa đạt trình độ cao đẳng sẽ giảm nhiều so với thống kê nói trên.
Lý do là số giáo viên chưa tốt nghiệp cao đẳng phần lớn thuộc nhóm giáo viên lớn tuổi nên sẽ hết tuổi lao động trước khi Luật Giáo dục (sửa đổi) có hiệu lực, nhóm giáo viên mới tuyển dụng đều có trình độ cao đẳng trở lên. Cùng với đó, số lượng giáo viên tuy chưa tốt nghiệp cao đẳng nhưng hiện tại học cao đẳng, đại học hệ vừa học vừa làm, hệ đào tạo liên thông… sẽ tốt nghiệp trong thời gian 2018 và 2019.
Yêu cầu về giáo dục mầm non ngày càng cao, thời gian đào tạo ngắn
Bộ GD-ĐT nhìn nhận hiện tại giáo viên được đào tạo bậc trung cấp với thời gian đào tạo (từ 1 đến 2 năm) và chương trình đào tạo hiện nay khó đáp ứng được yêu cầu nói trên. Hệ quả là trình độ chuyên môn nghiệp vụ một bộ phận giáo viên mầm non chưa đáp ứng nhu cầu công việc; thiếu kiến thức về tâm lý trẻ em, âm nhạc, hội họa, chăm sóc sức khỏe, giới tính, an toàn thực phẩm trường học.
Mặt khác, do thời gian đào tạo ngắn, giáo sinh trung cấp mầm mon tập trung học lý thuyết mà không có điều kiện và thời gian để thực tập nghề nên thiếu kỹ năng xử lý tình huống, để xảy ra sai sót trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ gây những bức xúc nhất định trong xã hội.
Cùng đó, quy trình tư vấn tuyển sinh và lựa chọn thí sinh trúng tuyển vào trung cấp sự phạm tương đối dễ dãi nên bộ phận nhỏ giáo sinh sau khi ra trường có biểu hiện thiếu gương mẫu trong đạo đức, lối sống, nhân cách, tình yêu với trẻ và yêu nghề hoặc có hành vi bạo lực với trẻ.
Để thuyết phục về tính cần thiết phải sửa đổi quy định này, Bộ GD-ĐT đã nêu dẫn chứng từ các nước với kinh nghiệm quốc tế về trình độ chuẩn của giáo viên mầm non.
Chẳng hạn, tại Nhật Bản, để trở thành giáo viên mầm non, ứng viên cần có một trong ba loại giấy phép giảng dạy. Các khóa học liên quan đến giảng dạy mầm non thường bao gồm cả nội dung như tâm lý giáo dục, piano, phương pháp dạy học nghệ thuật và giáo dục thể chất. Trong khi đó, một người muốn hành nghề trông trẻ cần tốt nghiệp từ một trường dạy nghề được chính phủ công nhận hoặc vượt qua một kỳ thi quốc gia.
Phần lớn các nước phát triển đều yêu cầu có trình độ đào tạo đại học hoặc sau đại học đối với giáo viên mầm non, như: Phần Lan, Đan Mạch, Thuy Điển, Hà Lan, Anh (và phần lớn các nước Tây Âu khác), Australia, Hoa Kỳ, New Zealand, Hàn Quốc.
Nhiều nước trong khu vực yêu cầu có trình độ đào tạo CĐ sư phạm đối với giáo viên mầm non, như: Singapore, Thái Lan, Hồng Kong, Đài Loan, Malaysia.
Tăng chi ngân sách địa phương cho giáo dục
Đánh giá tác động chính sách về kinh tế và ngân sách, Bộ GD-ĐT cho hay sẽ làm tăng chi ngân sách địa phương cho giáo dục, tăng chi phí đào tạo bồi dưỡng giáo viên cho các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập và ảnh hưởng thu nhập của giáo viên.
Theo tính toán chi phí đào tạo giáo viên đã có bằng trung cấp sư phạm học tiếp để lấy bằng cao đẳng sư phạm cần thời gian 1 năm. Tổng kinh phí đào tạo nâng chuẩn 107.150 giáo viên chưa đạt trình độ cao đẳng ước tính khoảng 857 tỷ 200 triệu đồng.
Con số này được tính bằng: khoảng 107.150 giáo viên x 1 năm đào tạo x 8 triệu đồng/người/năm.
(Chi phí chi thêm cho 1 học viên sư phạm: tính bằng mức bù học phí quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ... thì mức chi phí hiện nay là 8 triệu đồng/người/năm).
Như vậy, nếu việc nâng chuẩn trình độ đào tạo đối với giáo viên theo lộ trình khoảng 5 năm, thì mỗi năm cần đầu khoảng 171 tỷ 440 triệu đồng.
Như vậy, theo Bộ GD-ĐT dự toán ngân sách địa phương hàng năm phải bố trí một khoản kinh phí nhất định cho hoạt động này. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập và bản thân giáo viên và gia đình cũng phải cáng đáng một phần kinh phí này. Nếu không có nguồn kinh phí ngân sách nhà nước và tín dụng sư phạm hợp lý thì kinh phí đào tạo nâng chuẩn sẽ trở thành gánh nặng tài chính cho bản thân giáo viên mầm non.
Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng cho rằng nếu giáo viên sau khi tốt nghiệp cao đẳng thì sẽ có cơ hội cải thiện thu nhập do được xếp lương theo nhóm Giáo viên mầm non hạng III - Mã số: V.07.02.05.
Khoảng 30% giáo viên cần được nâng chuẩn
Về lộ trình thực hiện, Bộ GD-ĐT cho hay, khi Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực, sẽ còn khoảng 30% (khoảng 80.000 giáo viên mầm non) phải được đào tạo để nâng chuẩn.
Ước tính thời gian đào tạo mỗi khóa học chuyển tiếp từ trung cấp lên cao đẳng khoảng 1 năm. Nếu các cơ sở giáo dục mầm non cử giáo viên đi học theo hình thức “cuốn chiếu” theo từng khóa thì lộ trình nâng chuẩn đào tạo sẽ kéo dài khoảng 5 năm
Với những giáo viên chưa đạt chuẩn nhưng thời gian công tác còn lại dưới 5 năm (tính từ thời điểm Luật Giáo dục 2018 có hiệu lực) thì không nhất thiết phải tổ chức đào tạo để nâng chuẩn mà chỉ cần tham gia các khóa bồi dưỡng theo các chuyên đề phù hợp để nâng cao năng lực dạy học để đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Đối với các trường trung cấp sư phạm mầm non (cả nước chỉ còn 2 trường) sẽ được tổ chức lại theo hướng chuyển đổi thành trường cao đẳng sư phạm (nếu hội đủ điều kiện) hoặc chuyển đổi trường trung cấp sư phạm thành khoa sư phạm tại các trường cao đẳng...
Cùng với đó, Bộ sẽ xây dựng kế hoạch, chương trình và lộ trình để đào tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng đối với nhóm giáo sinh đang theo học trung cấp mầm non.
Thanh Hùng
Chính phủ đồng ý miễn học phí THCS, nâng chuẩn giáo viên mầm non
Chính phủ đồng ý nâng chuẩn giáo viên mầm non, miễn học phí THCS, bổ sung quy định về hội đồng trường đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ có chức năng thực hiện nhiệm vụ các cơ quan chủ quản...
'Khóc dây chuyền', nỗi khổ chỉ có giáo viên mầm non mới hiểu
Nghề giáo viên mầm non không nhàn hạ và dễ dàng như người ta vẫn nhìn thấy hàng ngày. Đây là nghề cần nhiều sự kiên nhẫn và tình yêu trẻ vô bờ bến.
Lương giáo viên mầm non TP.HCM cao hơn các địa phương khác
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết lương giáo viên mầm non của TP.HCM cao hơn các địa phương khác.