Ngày 5/12, chuỗi triển lãm về công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ, gồm: Triển lãm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam 2024, Hội chợ thương mại quốc tế Việt Nam lần thứ 22, Triển lãm quốc tế sản phẩm ngũ kim và dụng cụ cầm tay lần thứ 9, Triển lãm quốc tế thang máy lần thứ 3 tại Việt Nam và Triển lãm quốc tế nội thất và trang trí cảnh quan Việt Nam 2024, đã khai mạc tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC). Sự kiện thu hút sự tham gia của hơn 500 doanh nghiệp đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Sự kiện trưng bày hơn 1.000 sản phẩm, nhằm thúc đẩy kết nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam và đối tác quốc tế trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo, gia công. Đây là một trong những hoạt động nổi bật trong kế hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ của TP.HCM, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết: "TP.HCM luôn chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ, nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường khả năng cạnh tranh, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và chuyển giao công nghệ. Điều này được thể hiện rõ qua các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo và áp dụng các quy trình sản xuất thông minh, đáp ứng yêu cầu của các chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Triển lãm năm nay không chỉ là cơ hội để các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại TP.HCM quảng bá năng lực cung ứng mà còn giúp họ kết nối, mở rộng thị trường và nâng cao nhận diện thương hiệu. Những doanh nghiệp nhỏ và vừa được tạo điều kiện tiếp cận khách hàng tiềm năng, đồng thời học hỏi kinh nghiệm từ các đối tác quốc tế.
Chia sẻ tại triển lãm, ông Wang Xingqi - Phó chủ tịch Công ty TNHH Thang máy Mitsubishi Thượng Hải khẳng định: "Việt Nam là một thị trường quan trọng đối với chúng tôi. Triển lãm này giúp chúng tôi tiếp cận nhiều khách hàng, đại lý và nhà cung cấp trong ngành thang máy, đồng thời quảng bá các sản phẩm và công nghệ tiên tiến của chúng tôi".
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước như Công ty CP Dụng cụ Cơ khí Xuất khẩu EMTC cũng cho biết đang nỗ lực phát triển các sản phẩm phụ tùng xe ô tô, xe máy chất lượng cao, hướng đến mục tiêu xuất khẩu và phục vụ nhu cầu trong nước, đồng thời góp phần vào sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
Ông Zhang Lexiang - Tổng thư ký Hiệp hội Thang máy Trung Quốc chỉa sẻ: "Lần đầu tiên khi tới Việt Nam cách đây 20 năm, chúng tôi mới biết đến hai công ty sản xuất thang máy. Quay lại Việt Nam lần này tôi rất ngạc nhiên và thán phục b ởitốc độ tăng trưởng của ngành khi có đến hơn 300 doanh nghiệp hoạt động trong ngành thang máy. Điều này khiến tôi thấy rõ vai trò của mình trong việc kêu gọi các nhà sản xuất thang máy Trung Quốc tham dự Triển lãm quốc tế thang máy (VEE)”.
Theo nhiều doanh nghiệp, các triển lãm và chương trình hỗ trợ ngành công nghiệp hỗ trợ tại TP.HCM là bước đi quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của thành phố, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận thị trường quốc tế và thu hút đầu tư. Những nỗ lực này không chỉ góp phần vào sự phát triển của ngành công nghiệp mà còn tạo động lực cho nền kinh tế TP.HCM vươn lên trong kỷ nguyên mới.
Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Nam (Vietnam Expo) tại TP.HCM là sự kiện thương mại quốc tế đa ngành, uy tín, được tổ chức thường niên. Đây là cầu nối giao thương, xúc tiến thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Với gần 1.000 gian hàng của 900 doanh nghiệp đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, sự kiện mở ra nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư và mở rộng thị trường xuất nhập khẩu tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Chương trình năm nay được phối hợp tổ chức bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA), Sở Công Thương TP.HCM, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, Trung tâm Phát triển Công nghiệp Hỗ trợ TP.HCM, Hiệp hội Thang máy Việt Nam, Hội Tin học TP.HCM, Hội Kiến trúc sư Việt Nam và các đối tác khác.
Minh Hào