Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, Chương trình 585 (Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010 – 2014 và 2015 – 2020) đã có tác động mạnh, hiệu ứng lan tỏa tới toàn cộng đồng doanh nghiệp cũng như các bộ ban ngành từ Trung ương đến địa phương trong việc nâng cao nhận thức rõ rệt về vai trò của pháp lý trong hoạt động DN.
Đối với bộ, ngành Trung ương, Chương trình 585 đã tạo cơ sở trong việc triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các bộ, ngành Trung ương một cách hiệu quả. Cụ thể như: trên cơ sở hoạt động của Chương trình 585, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường... đã phối hợp với Chương trình 585 triển khai mạnh mẽ công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong lĩnh vực mà mình quản lý. Các bộ như: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng... trên cơ sở Chương trình 585 đã xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực giao thông vận tải, quốc phòng...
Việc phối kết hợp giữa Chương trình 585 và các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của các bộ, ngành góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp ở các bộ, ngành Trung ương, tránh trùng lặp về hoạt động, về nội dung.
Đối với Uỷ ban nhân dân, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trên cơ sở kế hoạch triển khai các hoạt động của Chương trình 585, Uỷ ban nhân dân, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã phối hợp với Chương trình 585 triển khai mạnh mẽ công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các địa phương, nhất là các địa phương điểm, như: Quảng Bình, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc...
Bên cạnh đó, trên cơ sở Chương trình 585, các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương như TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hoà... đã xây dựng và thực hiện tốt Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại địa phương mình.
Đối với các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, việc triển khai mạnh mẽ các hoạt động của Chương trình 585 đã tạo ra một nguồn lực quan trọng trong công tác hỗ trợ pháp lý cho các hội viên của các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp trên cả nước.
Trong thời gian qua, công tác hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp hội viên được các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp coi trọng nhưng không có đủ nguồn lực thực hiện. Chương trình 585 được phê duyệt và triển khai trên thực tế đã giúp cho các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp có thêm nguồn lực, định hướng trong công tác hỗ trợ các hội viên doanh nghiệp của mình thông qua các hoạt động cung cấp thông tin, bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp...; từ đó nâng cao vai trò của các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp.
Các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, như: Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp... đã tham gia tích cực cùng Chương trình 585 để tăng cường và nâng cao chất lượng các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hội viên.
Đối với các doanh nghiệp, nhờ được thụ hưởng các hoạt động của Chương trình 585, các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được triển khai đồng bộ đã tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, nhất là tại các tỉnh làm điểm của Chương trình 585 như: Hà Nội, Quảng Bình, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc...; tạo lập các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động thực thi pháp luật để giúp doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả; phòng chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp...
Thông qua các tọa đàm, chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ của Chương trình 585, các cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp, cán bộ pháp chế được cập nhật kiến thức về pháp luật kinh doanh, kỹ năng nghiệp vụ trong công tác pháp chế, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hạn chế rủi ro pháp lý trong kinh doanh.
Nghiên cứu của Bộ Tư pháp cho biết, cộng đồng doanh nghiệp phản hồi tích cực và đã đề xuất nhiều giải pháp hay cho giai đoạn 10 năm tới, nhằm thực hiện thành công Đề án "Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030" theo Quyết định 345 ngày 5/4/2023 của Thủ tướng.
Có tới 96.7% doanh nghiệp được khảo sát ủng hộ việc đẩy mạnh hoạt động truyền thông cho chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; 97.7% ủng hộ chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có bộ nhận diện thương hiệu riêng; 98.2% ủng hộ việc xây dựng một ứng dụng (app) hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Về việc xây dựng ứng dụng, đa số doanh nghiệp được khảo sát cho rằng ứng dụng nên tích hợp tính năng nhanh chóng kết nối doanh nghiệp với tư vấn viên pháp luật để giải quyết khó khăn, vướng mắc pháp lý (71.2%).
Ngoài ra, ứng dụng nên có tính năng hướng dẫn doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện một số thủ tục hành chính thông dụng (47.7%); gửi câu hỏi và góp ý của doanh nghiệp nhỏ và vừa tới cơ quan, tổ chức thực hiện hỗ trợ pháp lý (43.6%); đưa thông tin về những chính sách, pháp luật mới; các hội thảo, diễn đàn, tọa đàm về các chuyên đề pháp luật (41.6%).