Suốt 16 năm qua, chú vịt vàng khổng lồ của nghệ sĩ Florentijn Hofman đã chu du khắp các nước châu Âu, châu Á, châu Mỹ… Vừa qua, chú vịt được thả tại cảng Victoria (Hong Kong, Trung Quốc) nhưng không còn cô đơn khi có một người bạn đồng hành.
“Cha đẻ” khác thường của chú vịt cỡ đại
Theo SCMP, đằng sau chú vịt vàng ngộ nghĩnh là nghệ sĩ Hofman với những quy tắc nghiêm ngặt. "Đầu tiên, vịt luôn phải được trưng bày trước công chúng, không dành cho mục đích cá nhân. Không được có bất kỳ mặt hàng thương mại hóa nào liên quan tới vịt. Vịt phải xuất hiện trên nước, được sản xuất tại địa phương".
Nghệ sĩ người Hà Lan sinh năm 1977 luôn tạo mới các chú vịt cao su. Như vậy, những nhà sưu tập tư nhân giàu có hoặc nhà buôn bán hám lợi sẽ không có cơ hội sở hữu độc bản của chú vịt và nâng giá.
"Những người có tiền đã mua rất nhiều tác phẩm trên thế giới. Nhưng tôi là người ủng hộ nghệ thuật công cộng", Hofman chia sẻ.
Việc thiết kế, lắp đặt, di chuyển chú vịt vàng được một công ty tài trợ. Hofman chỉ bán các bản sao thu nhỏ, tiền lời chuyển cho các tổ chức phi lợi nhuận địa phương như Hiệp hội Sức khỏe tâm thần Joyful (Hong Kong) hay Tổ chức nghệ thuật Pittsburgh Cultural Trust (Mỹ). Anh từng hủy bỏ một buổi xuất hiện để phản đối việc ban tổ chức thương mại hóa tác phẩm.
Ngoài vịt vàng, Hofman còn tạo ra nhiều con vật, đồ dùng khổng lồ khác. Năm 2005, anh thiết kế một con chim siêu lớn cho Lễ hội xuyên biên giới 2005, đặt ở Tòa thị chính The Hague (Hà Lan). Năm 2006, tác phẩm được đưa tới Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Rotterdam để ngăn chim bay vào cửa sổ kính.
Hành trình thú vị nhưng cũng nhiều sự cố
Với vóc dáng khổng lồ và thiết kế gợi nhớ thời thơ ấu, chú vịt vàng đã thu hút sự chú ý và được nhiều người yêu mến. Vịt đã có hành trình tới nhiều địa điểm trên 4 châu lục kể từ năm 2007.
Tại mỗi địa điểm, kích thước của vịt có thể khác nhau. Chú vịt to nhất xuất hiện ở Pháp có chiều rộng, dài, cao lần lượt lượt 26x20x32m. Trong khi vịt ở Bắc Kinh (Trung Quốc) nhỏ hơn (14x15x18m). Mỗi chú vịt có thể nặng tới 1 tấn, khâu từ 200 miếng PVC.
Phía sau thân vịt có lỗ trống để nhân viên kỹ thuật kiểm tra và cánh quạt điện để bơm phồng, giữ hình dạng của vịt. Vịt được cố định bằng dây thừng để không bị trôi.
Kể từ năm 2007, chú vịt đã có mặt tại Amsterdam (Hà Lan), Baku (Azerbaijan), Lommel (Bỉ), Osaka (Nhật), Sydney (Australia), Sao Paulo (Brazil)... Khi ở Pittsburgh (Mỹ) gần 1 tháng, vịt vàng có hơn 1 triệu người tới thăm.
Hành trình của người bạn đáng yêu không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Theo The Value, trong những ngày đầu mới trưng bày ở Hong Kong vào tháng 6 vừa qua, một trong hai chú vịt bất ngờ bị xịt do thời tiết nóng bức. Vài ngày sau, chú vịt bị cảm nắng đã bình phục để đem lại niềm vui cho hàng dài người đứng chờ chụp ảnh. Trong triển lãm năm 2013 cũng tại Hong Kong, vịt từng bị xẹp một lần.
Đây không phải những lần đầu tiên vịt khổng lồ gặp sự cố. Năm 2009, khi trưng bày ở Bỉ, vịt bị kẻ xấu đâm 42 nhát. Năm 2013, vịt bị xì hơi do động đất, sau đó vỡ tại Đài Loan (Trung Quốc). Chú từng bị lũ cuốn trôi ở Trung Quốc, đâm vào tấm biển dẫn tới bị thủng ở Chile. Năm 2014, chú vịt bị xịt khi xuất hiện ở Hàn Quốc.
Một vụ ầm ỹ khác liên quan tới phiên bản “nhái” của chú vịt vàng. Năm 2017, vịt đi lưu diễn vòng quanh Canada và bị chỉ trích lãng phí tiền của chính phủ. Tuy nhiên, các báo cáo sau đó cho thấy hành trình này đem lại lợi nhuận. Phiên bản vịt đó cũng không liên quan tới Florentijn Hofman.