Đồng Tháp đứng đầu cả nước về diện tích và sản lượng cá tra, xoài; đứng thứ 3 về diện tích và sản lượng lúa gạo là một trong 3 vùng trồng hoa nổi tiếng ở khu vực ĐBSCL và còn có trên 30 sản phẩm nông nghiệp đặc thù địa phương.
Với lợi thế đó, UBND tỉnh Đồng Tháp phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tập trung tái cơ cấu ở 5 ngành hàng chủ lực gồm: lúa gạo, xoài, hoa kiểng, cá tra và sen.
Mục tiêu của đề án là nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững; cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
Đến nay, 5 ngành hàng chủ lực của tỉnh Đồng Tháp đã ghi nhận mức đột phá trong giá trị sản xuất, chất lượng sản phẩm được nâng cao, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất theo hướng xanh, bền vững.
Cụ thể, năm 2024, giá trị sản xuất ngành hàng lúa gạo ước đạt hơn 16.000 tỷ đồng, tăng 3,6% so với năm 2020, chiếm 32,15% tỷ trọng trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Ngành hàng xoài có giá trị sản xuất đạt khoảng 2.341 tỷ đồng, tăng gần 22% so với năm 2020, chiếm 4,62 % tỷ trọng trong cơ cấu ngành nông nghiệp.
Giá trị sản xuất ngành hàng hoa kiểng ước đạt trên 6.276 tỷ đồng, tăng 34,78% so với năm 2020. Ngành hàng cá tra thu về 8.802 tỷ, chiếm 17,36% giá trị toàn ngành, tăng 18,63% so với năm 2020. Còn ngành hàng sen đạt 1.900 tỷ đồng, tăng 188% so với năm 2020.
Hiện, tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức các lễ hội gắn với 4 ngành hang: xoài, xen, cá tra, hoa kiểng. Qua đó, thu nhận những kết quả tích về doanh thu du lịch, quảng bá sản phẩm, hình ảnh quê hương. Quan trọng hơn, các ngành hàng chủ lực này còn kết hợp với du lịch nông nghiệp để tạo ra hệ sinh thái phát triển bền vững.
Bạch Hân