Theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) việc chưa có một chính sách pháp lý rõ ràng để cho phép các nhà mạng di động cung cấp dịch vụ Mobile Money là một thách thức mà Ngân hàng Nhà nước và Bộ TT&TT phải giải bài toán về pháp lý, nếu không sẽ khó triển khai Mobile Money.
Bên cạnh đó, khi triển khai dịch vụ ví điện tử Mobile Money nhà mạng cũng phải lưu ý đến một số thách thức liên quan đến việc sử dụng SIM điện thoại là tài khoản Mobile Money. Trong đó, thách thức lớn nhất là việc xác định danh tính người dùng tài khoản Mobile Money khi họ dùng SIM rác.
Theo phân tích của ông Dũng, điện thoại và SIM là phương thức giao tiếp còn số tiền trong ví điện tử lưu trong hệ thống CNTT của nhà mạng, như vậy tài khoản Mobile Money và SIM điện thoại cùng phải được định danh. Hiện nay, số người sử dụng SIM rác khá đông, nếu như có người dùng SIM không chính chủ sẽ phát sinh ra một số vấn đề cần xem xét. Giả sử SIM điện thoại đứng tên ông A nhưng lại giao dịch qua ví Mobile Money của ông B, khi đó nếu ông A dùng SIM rác thì khi có vấn đề phát sinh sẽ không lần ra được dấu vết.
“Do đó, nhà mạng phải suy nghĩ thêm về việc phải định danh tài khoản Mobile Money như thế nào, số tài khoản có thể trùng với số SIM hoặc không phải là số SIM điện thoại nhưng phải được xác thực định danh người dùng ví điện tử đó là ai”, ông Dũng nhấn mạnh.
Tiền nạp vào ví Mobile Money phải theo nguyên tắc “1-1”, đó là một nguyên tắc quan trọng quản lý dịch vụ Mobile Money mà NHNN thiết lập trong dự thảo quản lý dịch vụ Mobile Money. Có một nguyên tắc quan trọng đó là, Mobile Money không được làm phát sinh lượng tiền tệ.
Cụ thể số tiền công ty viễn thông nhận của khách hàng phải tương ứng theo tỷ lệ 1-1, tức là nếu khách hàng đến đại lý nạp 100.000 đồng vào ví Mobile Money thì trong ví phải có 100.000 đồng, như vậy sẽ không có chuyện nếu người mua thẻ cào với giá khuyến mãi 90.000 đồng, khi nạp vào ví là có 100.000 đồng. Nguyên tắc là ví Mobile Money không bao giờ được làm phát sinh tiền tệ, các công ty viễn thông không được làm việc đó, cho nên các công ty viễn thông khi xây dựng mô hình kinh doanh phải cân nhắc khi cho phép người dùng nạp thẻ cào vào ví. Bản chất khi nạp tiền vào tài khoản Mobile Money là tiền Việt Nam được thể hiện trên một phương tiện khác. Với nguyên tắc này, các công ty viễn thông phải cân nhắc mô hình kinh doanh làm sao bảo đảm “nguyên tắc 1-1”.
Hiện có nhiều ý kiến quan tâm đến việc người dùng có thể dùng thẻ cào để nạp tiền vào tài khoản Mobile Money được không. Ông Phạm Tiến Dũng cho rằng, đây là vấn đề còn nhiều tranh cãi.
NHNN mới đề ra nguyên tắc là tiền vào tài khoản phải theo nguyên tắc 1-1, còn chưa bàn chuyện cho nạp thẻ cào được không. Các ví điện tử hiện nay đang được nạp tiền từ tài khoản ngân hàng, thông qua các chi nhánh ngân hàng. Còn sắp tới ví điện tử Mobile Money được nạp tiền từ đại lý. Từ đây phát sinh ra nhiều vấn đề như hạn mức của đại lý là bao nhiêu, phải phòng tránh các đại lý thu tiền không chuyển đi cho nhà mạng thế nào, phải quản lý thế nào để không biến đại lý thành điểm giao dịch tiền mặt cho các giao dịch bất hợp pháp. NHNN đồng ý với nguyên tắc Mobile Money được nạp rút tiền qua các đại lý, không phải qua ngân hàng, nhưng việc quản lý các đại lý cần được nhà mạng quan tâm.
“Bộ TT&TT và các nhà mạng cần hỏi chuyên gia quốc tế, ví dụ điều kiện để được làm đại lý, quản lý luồng tiền các đại lý, rút tiền, quản lý tiền như thế nào, trước kia ví điện tử dựa vào hệ thống ngân hàng không đề cập đến. Đây là các vấn đề cần hết sức lưu ý”.
Về hạn mức giao dịch của ví điện tử, đại diện NHNN cũng chia sẻ, theo các chuyên gia quốc tế, bình quân một ví Mobile Money giao dịch 206 USD/tháng. NHNN dự kiến quy định hạn mức giao dịch cho Mobile Money là 10 triệu VNĐ/tháng (khoảng hơn 400 USD/tháng). Bước đầu sẽ cho phép như thế, còn sau đó sẽ có điều chỉnh phù hợp khi thị trường phát triển.