Sáng 29/12, máy bay của hãng hàng không Jeju Air (Hàn Quốc) gặp nạn khi thực hiện hạ cánh bằng bụng, trượt khỏi đường băng, đâm vào hàng rào và bốc cháy tại sân bay quốc tế Muan, Hàn Quốc. Hậu quả, 179 người được xác nhận đã tử nạn trong tổng số 181 hành khách và thành viên phi hành đoàn.
Máy bay của Jeju Air khởi hành từ Thủ đô Bangkok (Thái Lan). Theo truyền thông Hàn Quốc, tai nạn xảy ra sau nỗ lực hạ cánh đầu tiên thất bại vì bánh đáp của máy bay không bung ra. Máy bay có khả năng va phải chim trong lúc hạ độ cao.
Jeju Air thay đổi hàng không Hàn Quốc, thúc đẩy du lịch
Thành lập năm 2005, Jeju Air là hãng hàng không giá rẻ đầu tiên và lớn nhất Hàn Quốc. Nếu tính trên toàn thị trường, Jeju Air có quy mô chỉ xếp sau hãng hàng không quốc gia Korean Air.
Trước khi sự cố thảm khốc xảy ra, đây là hãng hàng không được ưa thích nhất tại xứ sở kim chi do giá vé thấp. Jeju Air giúp việc di chuyển bằng đường hàng không trở nên dễ dàng hơn với người dân nước này. Hãng góp phần hỗ trợ thúc đẩy du lịch Hàn Quốc, đặc biệt là du lịch tới đảo Jeju.
Theo JoongAng Daily, Jeju Air đang vận hành 41 chiếc máy bay, trong đó có 39 chiếc thuộc mẫu thân hẹp Boeing 737-800. Hãng khai thác hàng chục đường bay, với nhiều điểm đến ở châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là khu vực Đông Á, Đông Nam Á.
Tại Việt Nam, Jeju Air có các đường bay tới Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc.
Chiếc máy bay gặp nạn là Boeing 737-800, sản xuất tháng 11/2009, được Jeju Air vận hành từ tháng 2/2017.
Newsis thông tin, chuyến bay của Jeju Air chở theo nhiều du khách trở về từ chuyến du lịch Giáng sinh đến Bangkok. Tuyến Muan-Bangkok hoạt động theo mùa, từ khoảng đầu tháng 12 tới tháng 3 năm sau.
Ngay từ khi được thành lập, Jeju Air luôn định hướng là hãng hàng không giá rẻ dành cho đại chúng và tập trung vào các chuyến bay nội địa, đặc biệt là đến đảo Jeju. Hòn đảo lớn nhất Hàn Quốc này mỗi năm đón hơn 13 triệu lượt khách. Để thu hút khách nước ngoài, công dân của hơn 180 quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, được áp dụng chính sách miễn visa đặc biệt.
Trong quá khứ, Jeju Air chưa ghi nhận tai nạn chết người nào. Năm 2023, Jeju Air ghi nhận một máy bay có lộ trình Sapporo (Nhật Bản) tới Seoul đã gặp sự cố và phải quay trở lại địa điểm xuất phát.
Sau 20 năm, Jeju Air hiện có khoảng 3.000 nhân sự và thực hiện hàng trăm chuyến bay mỗi ngày.
Jeju Air ra sao sau thảm họa?
Theo JoongAng Daily, chiếc máy bay gặp nạn đã được bảo hiểm với giá trị lên tới 1 tỷ USD.
Giám đốc điều hành Jeju Air, ông Kim E-bae, cho biết hãng cam kết "không tiếc chi phí để hỗ trợ và bồi thường cho các nạn nhân và gia đình các nạn nhân" dựa trên gói bảo hiểm trị giá 1 tỷ USD.
Đồng thời, Trưởng nhóm quản lý của Jeju Air, ông Song Kyung-hoon nói rằng Jeju Air cam kết cung cấp các tùy chọn như hoàn tiền hoặc hủy cho các chuyến bay sắp tới, tùy nhu cầu của hành khách.
Trong phiên giao dịch cuối tuần (27/12) trước khi tai nạn xảy ra, cổ phiếu Jeju Air giảm 1,2% xuống 8.210 won (tương đương 5,56 USD). Vốn hóa đạt gần 450 triệu USD. Trong tuần mới, cổ phiếu Jeju Air có thể giảm mạnh.
Trong quá khứ, nhiều hãng hàng không chứng kiến cổ phiếu lao dốc sau tai nạn máy bay. Tuy nhiên, mức giảm không quá sâu và sau đó hầu hết cổ phiếu đều hồi phục.
Chỉ riêng cổ phiếu MAS của hãng hàng không Malaysia Airlines là lao dốc thảm hại sau hai vụ máy bay rơi trong năm 2014 (vụ chiếc MH17 bị bắn rơi khi di chuyển qua khu vực miền Đông Ukraine giữa tháng 7/2014 và vụ máy bay MH370 chở 239 người mất tích hồi đầu tháng 3/2014 trên đường bay từ Kuala Lumpur - Malaysia đến Bắc Kinh - Trung Quốc).
Malaysia Airlines còn có khoảng thời gian dài đối mặt với phá sản do phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường hàng trăm triệu USD cho gia đình các nạn nhân trong bối cảnh khó khăn về tài chính nhiều năm trước đó.
Điều khiến Malaysia Airlines lao đao là hai vụ tai nạn thảm khốc liền nhau khiến khách hàng không muốn đi máy bay của MAS vì tâm lý lo ngại xui xẻo.
Với Jeju Air, tình hình có vẻ ít tiêu cực hơn khi đây là lần đầu tiên hãng gặp tai nạn gây chết người. Jeju Air có gói bảo hiểm lớn, với hoạt động kinh doanh tích cực. Năm 2023, Jeju Air đạt doanh thu 1,3 tỷ USD và năm 2024 ước tính khoảng 1,5 tỷ USD.