Với bờ biển dài hơn 3.260km, Việt Nam là quốc gia có lợi thế và tiềm năng to lớn để phát triển bền vững kinh tế biển. Trong những năm qua, kinh tế biển của Việt Nam đã đạt được những thành tựu hết sức đáng khích lệ như: Quy mô kinh tế (GDP) biển và vùng ven biển Việt Nam bình quân đạt khoảng 47% đến 48% GDP cả nước, trong đó GDP của kinh tế thuần biển đạt khoảng 20% đến 22% tổng GDP cả nước.
Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế biển vẫn còn ẩn chứa không ít nguy cơ và thách thức. Đó là việc phát triển kinh tế biển chưa gắn kết hài hòa với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường; tài nguyên biển bị suy thoái; ô nhiễm môi trường biển ở nhiều nơi diễn ra nghiêm trọng, nhất là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương; các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển bị suy giảm, các sinh cảnh bị mất và bị thu hẹp diện tích.
Đáng lo ngại, hiện có khoảng 80% lượng cá trên các vùng biển ven bờ và ngoài khơi của Việt Nam đã bị khai thác quá mức hoặc cạn kiệt; nhiều loài sinh vật biển khác đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng…
Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 36) được ban hành với mục tiêu tổng quát: Đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng… Ngày 5/3/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW; Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 4/12/2019 về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030…
Để hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết số 36, Nghị quyết số 26/NQ-CP…, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu, đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương các giải pháp căn cơ nhằm quản lý tốt tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, đảo, trong đó tập trung vào các nhóm giải pháp về tăng cường quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển; chủ động điều tra cơ bản tài nguyên; phân vùng không gian và sử dụng hợp lý tài nguyên biển, đảo; kiểm soát tốt môi trường biển… Đến nay, công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, đảo đã được thiết lập hệ thống từ Trung ương đến địa phương, thúc đẩy các ngành kinh tế biển.
Mới đây, Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được ban hành với mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả, công bằng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế; ô nhiễm môi trường biển được ngăn ngừa, kiểm soát, giảm thiểu đáng kể; đa dạng sinh học biển, ven biển và hải đảo được bảo vệ, duy trì và phục hồi; các giá trị di sản thiên nhiên, di sản văn hóa biển được bảo tồn và phát huy; tác động của thiên tai được hạn chế thấp nhất có thể, chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.
Các chuyên gia cho rằng, thực tế cho thấy, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 36/NQ-TW về phát triển bền vững kinh tế biển đã có nhiều tín hiệu tích cực trong việc phát triển các ngành kinh tế biển, hình thành các khu kinh tế ven biển là động lực cho phát triển của cả vùng; mở rộng các dịch vụ logicstics để thúc đẩy sự liên kết phát triển kinh tế giữa các vùng ven biển với các vùng nội địa và với khu vực, thế giới; du lịch biển trở thành động lực phát triển của nhiều địa phương; nuôi trồng và đánh bắt thuỷ hải sản đang đưa nhiều vùng biển trở thành trung tâm chế biến và xuất khẩu hải sản lớn trên cả nước.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều hạn chế, thể hiện ở các khía cạnh tiềm năng phát triển lớn nhưng quy mô phát triển kinh tế biển ở nhiều địa phương còn nhỏ; các khu công nghiệp ven biển chưa lấp đầy diện tích được quy hoạch; các nghề thuần biển như làm muối, nuôi trồng thuỷ sản, đánh bắt xa bờ… còn nhiều dư địa phát triển nhưng chưa tháo gỡ các nút thắt về nhân lực, công nghệ và cơ sở hạ tầng …
Từ các thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng, rất cần tiếp tục phải có những giải pháp tháo gỡ nhằm phát triển bền vững kinh tế biển.