Đầu tháng 2/2023, Phật giáo thế giới đã cung tiễn một Đại sư trong lễ tang được tổ chức đơn giản, nhẹ nhàng, không quá nhiều hoa và nghi thức rườm rà.
Đó là tang lễ của Đại lão Hòa thượng Tinh Vân, người sáng lập Phật Quang Sơn, một quần thể kiến trúc Phật giáo nổi tiếng tại Đài Loan (Trung Quốc) cũng như tổ chức Phật Quang quốc tế - hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục Phật giáo và xuất bản.
Trước đó, tang lễ của nhiều vị lãnh đạo Phật giáo như Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Bích, Hòa thượng Thích Giác Dũng… cũng được thông báo tổ chức đơn sơ, tiết giảm các nghi lễ, không vòng hoa, phúng viếng. Đến tang lễ, tăng ni, phật tử thọ tâm tang, tụng kinh hoặc ngồi thiền, không kèn trống ồn ào.
Đám tang là nghi thức cuối cùng dành cho một người xả báo thân tứ đại. Tùy theo vị trí, tâm nguyện, cũng như niềm kính tiếc của thân quyến, môn đồ… mà được tổ chức tương ứng. Trong đó, di nguyện của người mất là quan trọng nhất, phải được “y giáo phụng hành” vì đó là lời nguyện cuối cùng của vị ấy.
Do biết được tình cảm của pháp quyến, môn đồ nên những vị lãnh đạo Phật giáo thường để lại lời dặn dò việc tổ chức lễ tang cho mình theo hướng thật đơn sơ. Có vị còn dặn đến cả việc thờ cúng cho hậu học, như Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Bích, Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh GHPGVN; Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã di ngôn không xây tháp.
“Thầy không muốn sau này quý vị xây cho thầy một ngôi tháp ở Tổ Đình. Xây tháp như thế sẽ không có ý nghĩa gì nếu ngày hôm nay quý vị không nối tiếp được những gì thầy đang trao truyền... Không được nhốt thầy, bỏ thầy vào trong một cái hũ nhỏ rồi đặt thầy vào trong một cái tháp. Thầy không muốn thầy có một cái tháp. Tốn đất chùa vô ích”, Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói trong một pháp thoại.
Hình ảnh ngôi mộ cỏ đơn sơ của ngài Thanh Bích hay lời dạy “đừng xây tháp cho thầy” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh… đã trở thành hình ảnh và “tâm thư” lay động lòng người.
Các ngài nhìn thấy được trước những điều có thể sẽ diễn ra trong tang lễ và ân cần dặn dò kỹ lưỡng để tránh lãng phí vì việc viên tịch theo lẽ đương nhiên của mình. Có thể xem đó là bài pháp sống động cuối cùng đi vào lòng người mỗi khi nhắc về các vị thầy lớn.
Thực sự, khi đã chọn con đường xuất gia, trở thành vị khất sĩ thì lối sống giản dị, khiêm cung, khép mình chính là chìa khóa mở cho chúng sanh tìm tới đạo. Ở ngoài kia, thế gian xa hoa bao nhiêu thì cũng đầy phiền não bấy nhiêu. Nên người đời tìm tới cửa đạo chính là bởi ở đó có nếp sống “thiểu dục tri túc”, tưởng đơn giản nhưng cực kỳ khó làm của người tu.
Khi bậc xuất trần càng buông bỏ nhiều chừng nào càng được sự kính trọng chừng ấy từ đồ chúng lẫn chư thiên. Những vị ấy thường thâu nhiếp được tâm người, làm được những việc lớn. Tâm rộng cảnh rộng!
Trước Tết, ở Quảng Nam, Hòa thượng Thích Thông Chánh cũng để lại di ngôn cho tang lễ của mình, với mấy gạch đầu dòng như: lấy câu Phật hiệu “Nam mô A Di Đà Phật” làm tôn chỉ tang lễ; không tiếp nhận phúng điếu, vòng hoa, liễn tang; khi chư tôn đức tăng ni đến viếng cung thỉnh quý ngài dâng hương và kinh hành niệm Phật 3 vòng; cúng dường ẩm thực, tịnh tài đến quý tăng ni và mời cơm Phật tử xa gần… Những học trò của ngài nhận được di ngôn này đều xúc động, xem đó là lời dạy cuối cùng thầy dành cho mình, y giáo phụng hành.
Thực sự, di sản thầy để lại cho trò không gì quý hơn đức hạnh mà vị thầy tu tập. Di sản ấy khiến người học trò tự hào và được nuôi dưỡng mỗi khi nhớ đến thầy, như một cách được núp bóng từ bi của người đã sinh ra mình trong ngôi nhà Chánh pháp.
Tang lễ người xuất gia cần được tổ chức đơn giản, nhưng vẫn trang nghiêm thanh tịnh. Phẩm vật cúng dường Tam bảo hay Giác linh người thầy chắc chắn không có gì quý bằng hương giới-định-tuệ. Những lễ tang thiền vị ấy khiến mọi người nhìn vào sanh tâm hoan hỷ, phát khởi tín tâm và cúi đầu trước bậc đã giác ngộ vô thường, vô ngã. Lễ tang như thế tưới tẩm hạt giống Phật trong lòng người.
Có thể nói, chuẩn bị lễ tang cho chính mình, dặn dò tang lễ đơn sơ thôi hoặc đề nghị con cháu dùng tiền phúng điếu làm từ thiện, trao học bổng, giúp người nghèo, bệnh nhân… là việc thiện lành cũng là bài học lớn người đi để lại cho người còn sống tiếp, rất đáng suy ngẫm, thực hành.