Sở Y tế TP.HCM vừa có kiến nghị thành lập Trung tâm mua sắm tập trung TP.HCM trực thuộc UBND TP, thay vì chỉ có Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản - Sở Tư pháp như hiện nay. 

Theo đề xuất này, Trung tâm mua sắm tập trung TP.HCM phải đảm bảo mang tính chuyên nghiệp với quy mô đủ lớn, hoạt động độc lập, khách quan, không kiêm nhiệm để đáp ứng nhu cầu mua sắm của ngành y tế.

Các mặt hàng cần mua sắm tập trung bao gồm: thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Trong đó, danh mục hàng hóa mua sắm tập trung thực hiện theo lộ trình thời gian để đảm bảo đơn vị luôn được cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Có quy chế phối hợp giữa Trung tâm mua sắm tập trung TP.HCM với các cơ sở y tế trong việc mua sắm, sử dụng và điều phối.

Sở Y tế TP.HCM đề xuất thành lập Trung tâm mua sắm thuốc và vật tư y tế tập trung.

Thực tế, trước năm 2014 , các đơn vị tự thực hiện việc mua sắm vật tư y tế, trang thiết bị trên cơ sở nhu cầu và nguồn kinh phí của đơn vị theo quy định.

Ngày 24/1/2013, UBND TP.HCM thành lập Trung tâm mua sắm hàng hóa và tài sản công của ngành y tế TP, nhiệm vụ chính là tổ chức mua sắm, trang bị, cung ứng và điều phối hàng hóa (thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị) cho các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc TP.HCM và quận, huyện.

Giai đoạn 2014-2016, trung tâm tổ chức 6 gói thầu thuốc, 9 gói thầu vật tư y tế, 12 gói thầu trang thiết bị... Đến ngày 4/10/2017, UBND TP.HCM có quyết định giải thể Trung tâm mua sắm này.

Theo Sở Y tế, đấu thầu tập trung đảm bảo minh bạch, công khai công tác đấu thầu, hạn chế sai sót tiêu cực khi các đơn vị tự tổ chức mua sắm, giảm lãng phí do chủ động điều tiết thuốc, vật tư tiêu hao giữa các đơn vị.  Tuy nhiên, đấu thầu tập trung cũng có những hạn chế. 

Cụ thể, trung tâm mua sắm chưa thực sự là một trung tâm độc lập với các cơ sở y tế và Sở Y tế, chưa đảm bảo tính khách quan khi tổ chức mua sắm do nhân sự thực hiện gói thầu chỉ là nhân sự kiêm nhiệm của Sở Y tế, nhân sự kiêm nhiệm của các đơn vị; nhân sự thực tế chỉ 18 người trong khi định biên 30 người...

Điều này dẫn đến thời gian thực hiện mua sắm kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn của đơn vị, buộc các bệnh viện phải tổ chức mua sắm bằng phương thức khác.

Từ năm 2017 đến nay, các đơn vị phải tự thực hiện mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế và thuốc (ngoài danh mục mua sắm tập trung do Trung tâm đấu thầu Quốc gia thực hiện và danh mục đấu thầu tập trung cấp địa phương do ngành y tế giao một bệnh viện đa khoa thực hiện mua sắm). Giá trị mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế hàng năm của ngành y tế TP.HCM khoảng 14.000 tỉ đồng.

Theo Sở Y tế, khi giao về cho các đơn vị tự đấu thầu, ưu điểm là đơn vị chủ động trong việc mua sắm để đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Nhưng, năng lực tổ chức mua sắm ở các đơn vị là khác nhau, còn có nhiều hạn chế trong công tác đấu thầu, quy định và quy trình rất nhiều nhưng chưa thật sự rõ ràng, đầy đủ.

Do đó, Sở Y tế TP.HCM cho rằng trở lại đấu thầu tập trung như trước đây là điều cần thiết. Kết quả khảo sát nhanh ý kiến giám đốc các đơn vị trực thuộc Sở Y tế TP.HCM cho thấy, 91,5% đồng ý với nội dung đề xuất của Sở này.

Linh Giao

Bệnh viện TP.HCM lại thiếu thuốc BHYT?Tình trạng thiếu thuốc Bảo hiểm y tế tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TP.HCM) đã xảy ra từ cuối năm 2021, tuy nhiên vẫn kéo dài đến tháng 4/2022.