Khoảng 20h ngày 12/5, tại Km167 trên quốc lộ 24, lực lượng CSGT Công an tỉnh Kon Tum phát hiện nam tài xế điều khiển xe máy mang BKS 82B1- 458.XX có biểu hiện nghi vấn sử dụng rượu bia nên yêu cầu dừng xe để kiểm tra.
Qua kiểm tra, phát hiện tài xế L.C.Q. (36 tuổi, trú tại TP Kon Tum) vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,028 mg/L khí thở. Đáng chú ý, anh L.C.Q. là người cung cấp dịch vụ “lái xe hộ”, chuyên đưa người đã sử dụng rượu bia về nhà.
Qua sự việc trên, nhiều người bày tỏ thắc mắc, cần phải kiểm tra thế nào để biết tài xế làm dịch vụ này có đủ điều kiện điều khiển xe?
Anh Trần Trung Hiếu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, khi lực lượng chức năng kiểm soát chặt vi phạm về nồng độ cồn, bản thân anh đã sử dụng dịch vụ "lái xe hộ" sau mỗi buổi dự tiệc có sử dụng rượu bia.
"Tôi thấy dịch vụ này rất văn minh, đảm bảo an toàn cho bản thân và những người tham gia giao thông khác. Tuy nhiên, việc phải kiểm tra tài xế trước khi giao xe chưa khi nào tôi để ý tới", anh Hiếu chia sẻ.
Cũng từng là người sử dụng dịch vụ "lái xe hộ", anh Hoàng Kiên (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, bản thân anh đã một vài lần giao chìa khóa xe cho tài xế đưa về. Việc giao xe mới chỉ dựa trên uy tín được quảng vá và niềm tin của cá nhân với đơn vị cung cấp dịch vụ chứ chưa từng tự kiểm tra tài xế.
Theo anh Kiên, sau khi chọn dịch vụ "lái xe hộ", được cử tài xế đến, dù giao xe máy, ô tô đều là tài sản lớn cho người khác điều khiển, nhưng ít ai nghĩ đến việc phải hỏi xem họ có uống bia rượu chưa, có bằng lái không?
Liên quan đến tình huống này, đại diện Đội CSGT đường bộ số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) đánh giá, dịch vụ "lái xe hộ" còn khá mới. Trong quá trình vận hành sẽ phát sinh một số tình huống như: Tài xế điều khiển xe của khách nhưng vi phạm nồng độ cồn, không có giấy phép lái xe...
Trong các tình huống xử lý vi phạm như vậy, lực lượng chức năng ngoài xử phạt tài xế thì còn làm rõ việc khách hàng khi giao xe cho tài xế điều khiển có biết họ đủ điều kiện lái xe hay không?
"Trong trường hợp biết tài xế không đủ điều kiện lái xe mà vẫn giao xe thì sẽ bị xem xét xử lý trách nhiệm của người giao xe", đại diện Đội CSGT đường bộ số 6 cho biết.
Cũng theo vị đại diện Đội CSGT đường bộ số 6, trước khi giao xe cho tài xế, khách hàng cần hỏi một số câu đơn giản như: Anh, chị đã sử dụng rượu bia chưa? Cho tôi xem giấy phép lái xe...
"Qua một số câu hỏi, kiểm tra đơn giản sẽ giúp khách hàng tránh được tình huống giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển", đại diện Đội CSGT đường bộ khuyến cáo.