Mới đây, Chính phủ thống nhất một số nội dung trong Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ, trong đó có quy định về điểm của giấy phép lái xe (GPLX) theo hướng lái xe được cấp 12 điểm/năm.
Nếu trong 1 năm mà bị trừ hết điểm thì phải thi lại GPLX. Còn nếu không trừ hết điểm thì sau 1 năm lái xe được cấp lại đủ 12 điểm để áp dụng cho năm kế tiếp. Điều này đã nhận được những ý kiến trái chiều của nhiều lái xe.
Tạo điều kiện cho lái xe có cơ hội sửa sai
Anh Nguyễn Thanh Chương (35 tuổi, trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng, việc “cấp vốn” cho mỗi người 12 điểm trên GPLX mang tính răn đe cao, từ đó tài xế sẽ phải chú ý hơn khi ra đường để không bị trừ điểm.
“Ai cũng sợ bị tước bằng lái, do vậy sẽ phải rất cẩn thận khi tham gia giao thông bởi chỉ cần 2 - 3 lần vi phạm là GPLX coi như hết tác dụng”, anh Chương nói.
Đồng tình với ý kiến trên, anh Hoàng Linh (40 tuổi, trú tại huyện Đông Anh, Hà Nội) - tài xế một hãng taxi công nghệ cho rằng, việc không tước GPLX ngay mà trừ điểm sẽ tạo điều kiện cho lái xe có cơ hội sửa chữa và rút kinh nghiệm.
“Hiện nay, nếu mắc lỗi nặng có thể bị tước bằng lái vài tháng, điều này sẽ gây khó khăn cho những người kiếm sống bằng nghề lái xe như chúng tôi. Việc trừ điểm vừa mang tính răn đe lại vừa nhân văn hơn khi lái xe còn cơ hội để sửa sai” - anh Linh chia sẻ.
Với việc trừ điểm trên GPLX, tài xế vẫn có cơ hội sửa sai |
Tuy nhiên, quy định trên vẫn nhận được nhiều ý kiến băn khoăn. Một số lái xe cho rằng, tuy số điểm của GPLX được liên thông trên hệ thống, được quản lý bằng máy móc nhưng việc phát hiện, xử lý vi phạm vẫn là do con người trực tiếp đảm nhận, có thể dẫn đến sai sót, thậm chí tiêu cực.
“Hết điểm sẽ coi như bị tước bằng lái, áp lực này có thể nảy sinh việc "hối lộ" lực lượng chức năng để không bị lập biên bản và trừ điểm", anh Phạm Minh (39 tuổi, trú tại TP. Hải Dương) nêu ý kiến.
Anh Trần Hiếu (50 tuổi, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng đưa ra ý kiến: “Muốn áp dụng chế tài với người lái xe thì hệ thống cơ sở hạ tầng, biển báo, vạch kẻ đường phải chuẩn. Đồng thời có các công cụ hỗ trợ như camera giám sát thì người dân sẽ nghiêm chỉnh tuân thủ”.
Quy định không mới
Đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, 12 điểm nói trên sẽ không hiển thị trực tiếp trên bằng lái mà được mã hoá và lưu trữ trên hệ thống dữ liệu.
Khi lái xe vi phạm, cảnh sát giao thông sẽ kiểm tra trên máy để biết tài xế còn bao nhiêu điểm. Khi có quyết định xử phạt, điểm sẽ tự động bị trừ trên hệ thống.
Thông qua hệ thống, CSGT sẽ tra cứu được số điểm còn trên GPLX khi tài xế vi phạm |
Theo nhiều chuyên gia, quy định về trừ điểm trên GPLX về bản chất không phải là mới. Trước đó, từ năm 2003, cơ quan chức năng đã áp dụng biện pháp đánh dấu số lần vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ của lái xe bằng "bấm lỗ".
Tại thời điểm đó, nếu bằng lái bị bấm 2 lỗ, tài xế phải thi lại Luật Giao thông đường bộ khi đổi GPLX; nếu bị đánh dấu 3 lỗ, GPLX hết giá trị sử dụng, tài xế phải thi lại cả lý thuyết và thực hành để được cấp mới.
Trao đổi với VietNamNet, TS. Nguyễn Xuân Thuỷ cho biết: “Lâu nay việc xử phạt lái xe vi phạm giao thông gần như “phạt là xong”, không lưu lại lịch sử vi phạm một cách rõ ràng”.
Vị chuyên gia giao thông này cho rằng, việc mỗi người được “cấp vốn” 12 điểm, khi vi phạm bị trừ điểm và đồng bộ hóa dữ liệu vi phạm không chỉ mang tính răn đe mà còn giúp cơ quan chức năng nắm được lịch sử vi phạm, qua đó đánh giá được năng lực, khả năng của từng lái xe.
Trước đó, vào đầu tháng 5/2020, Bộ Công an đã trình Chính phủ cho ý kiến về Dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ. Trong đó, đề xuất mỗi GPLX có sẵn 12 điểm, tài xế sẽ bị trừ điểm trên hệ thống quản lý khi vi phạm giao thông.
Dự thảo có nêu rõ 28 hành vi bị trừ điểm trên GPLX, ví dụ như: Vượt đèn đỏ bị trừ 6 điểm, lấn làn trừ 5 điểm, dừng đỗ xe sai quy định trừ 4 điểm,…
Đồng thời, quy định 11 hành vi bị tước GPLX ngay lập tức như: Vi phạm về ma tuý, nồng độ cồn; đi ngược chiều trên cao tốc; lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép,…
Hoàng Hiệp
Mọi tin bài, video cộng tác xin gửi về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!
Đi sửa ô tô, nhận hoá đơn thanh toán “sốc”
Hỏng chỗ này đòi sửa chỗ kia, công tháo lắp tính giá “trên trời”, thanh toán gấp 3 lần so với báo giá,… là những câu chuyện có thật mà nhiều chủ xe đang gặp phải khi đi sửa ô tô tại một số gara.