Thực hiện kế hoạch chăn nuôi, đặc biệt là phát triển đàn gia súc, năm 2021 Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện và các xã, Thị trấn tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân tích cực đầu tư mở rộng chuồng trại chăn nuôi, trong đó tập chung phát triển đàn đại gia súc, đồng thời triển khai chính sách hỗ trợ nhân dân xây dựng các khu chuồng trại chăn nuôi gia súc tập chung theo quy mô lớn.

Bên cạnh đó, cũng vận động nhân dân chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, nhất là đàn lợn, trâu bò.

{keywords}
Việc chăn nuôi gia súc tập chung theo hướng quy mô sẽ góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng đàn gia súc gắn với việc kiểm soát được dịch bệnh.

Nhờ chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương thức chăn nuôi gia súc của tỉnh đã giúp các hộ chăn nuôi gia súc trên địa bàn huyện Tam Đường có thêm điều kiện xây dựng chuồng trại phát triển chăn nuôi tập trung nhằm từng bước duy trì an toàn dịch bệnh, nhờ đó nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi.

Theo trang thông tin huyện Tam Đường cho hay, được hỗ trợ 200 triệu đồng, gia đình anh Thành ở bản Tiên Bình, Thị trấn Tam Đường, đầu tư xây dựng 2 khu chuồng nuôi với diện tích hơn 300m2, có thể nuôi nhốt 50 con gia súc trở lên. Được biết, trước đây gia đình anh chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, nhưng khi có chính sách hỗ trợ của nhà nước và có điều kiện về đất đai anh quyết định mở rộng mô hình.

Trước đây gia đình anh Thành và bà con trong vùng chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế không cao, nhưng khi Nhà nước có chính sách hỗ trợ xây dựng chuồng trại chăn nuôi tập chung tôi quyết định mở rộng chăn nuôi, đồng thời xây dựng khu chuồng nuôi nhốt trâu ra xa khu nhà ở, tôi thấy chính sách này rất tốt với những người chăn nuôi lớn như chúng tôi, đồng thời hạn chế được việc ô nhiễm môi trường, phòng, chống dịch bệnh hiệu quả hơn cho đàn vật nuôi.

Gia đình anh Bắc ở bản Tân Hợp, xã Sơn Bình cũng là một trong những hộ được Nhà nước hỗ trợ 160 triệu đồng để xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc trong đợt này.

Theo anh Bắc cho biết: Gia đình anh chăn nuôi gia súc từ nhiều năm nay, tuy nhiên anh chỉ chăn thả ở nhiều nơi, việc chăm sóc và quan lý đàn không được thường xuyên nên hiệu quả đem lại chưa cao. Sau khi được huyện, xã tuyên truyền vận động và có sự hỗ trợ của tỉnh anh quyết định xây dựng khu chuồng trại chăn nuôi tập chung với diện tích 260m2 để đưa 40 con trâu đực giống và trâu sinh sản của gia đình về một khu tập chung để dễ quản lý và chăm sóc. “Tôi thấy chính sách này khá phù hợp với người chăn nuôi, đặc biệt là đối với bà con dân tộc ở vùng cao từ đó hạn chế được việc thả rông, nâng cao hiệu quả chăn nuôi”. Anh Bắc cho biết.

Không chỉ riêng gia đình anh Thành và anh Bắc nhận được hỗ trợ mà nhiều hộ dân trên địa bàn huyện cũng được nhận tiền hỗ trợ xây dựng chuồng trại nuôi nhốt gia súc các gia đình phấn khởi, yên tâm chăm sóc đàn vật nuôi.

Năm 2021, huyện Tam Đường có 136 hộ nhận được hỗ trợ từ chính sách hỗ trợ xây dựng chuồng trại, trong đó có 17 hộ gia đình chăn nuôi tập chung với quy mô từ 5 đến 125 con gia súc và 119 nông hộ cũng nhận được hỗ trợ để làm chuồng nuôi với tổng số tiền hỗ trợ là 1 tỷ 487 triệu đồng. Nhờ đó, tỷ lệ hộ gia đình chăn nuôi có chuồng trại trên địa bàn huyện tính đến hết năm 2021 đạt 65,3%, tổng đàn trâu, bò và ngựa toàn huyện có 7.900 con. Tuy nhiên, để được nhận tiền hỗ trợ, các hộ dân trên địa bàn phải làm chuồng trại đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định “3 cứng” gồm nền cứng, mái cứng, khung cứng và phải có đầy đủ bể nước, hố ủ phân, sân chơi cho gia súc. Mức hỗ trợ tăng theo quy mô chuồng trại và số lượng đàn gia súc.

Theo lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tam Đường cho biết: Thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất Nông nghiệp của tỉnh, năm 2021 Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai chương trình hỗ trợ chuồng trại chăn nuôi cho người chăn nuôi trên địa bàn. Thông qua chính sách này nhằm hạn chế tình trạng chăn thả gia súc tự do.

Việc chăn nuôi gia súc tập chung theo hướng quy mô sẽ góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng đàn gia súc gắn với việc kiểm soát được dịch bệnh, tận dụng được nguồn chất thải sử dụng làm phân bón cho sản xuất nông nghiệp và đặc biệt là bảo vệ môi trường.
Thông qua chính sách hỗ trợ này, giúp các hộ gia đình dần từ bỏ thói quen thả rông trâu, bò, chuyển sang nuôi nhốt, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chăm sóc và phòng chống bệnh tật cho đàn vật nuôi, góp phần hình thành và phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa, tăng thu nhập cho người chăn nuôi.

Bích Hạnh