Gửi mẹ chồng của con! Con rất ngại khi phải nói ra những điều này với mẹ nhưng trong lòng con ngổn ngang suy nghĩ. Nếu không giải quyết được những chuyện này, con nghĩ tình cảm mẹ chồng nàng dâu sẽ khó tốt đẹp lên được. Con cũng sẽ mãi sống với những ấm ức trong lòng. Vợ chồng con cũng vì chuyện đó mà xích mích tối ngày.

Mẹ ạ! Từ ngày con ra ở riêng, có vẻ mẹ không hài lòng về chúng con. Con biết, mẹ chỉ có một mình anh T. là con trai. Nhưng chúng con cũng cần có cuộc sống riêng, cần có gia đình nhỏ của riêng mình.

Trước đây, kinh tế còn khó khăn, chúng con nương nhờ nhà bố mẹ. Con biết ơn vì điều đó. Nhưng khi vợ chồng con khá giả, đủ điều kiện mua nhà riêng, chúng con muốn có cuộc sống tự do của riêng mình. Dù điều đó khiến bố mẹ không hài lòng, không vui nhưng chúng con vẫn phải quyết định.

Con mong mẹ trông cháu chứ đừng giữ cháu. Ảnh minh họa. Nguồn: Sohu

Con biết, chồng con kính trọng bố mẹ và con cũng chưa từng quên điều đó. Dù là con dâu nhưng lúc nào con cũng đặt địa vị của mình vào vị trí của chồng con để nghĩ về bố mẹ.

Từ ngày ra riêng, chúng con thường xuyên cho cháu về thăm ông bà. Khoảng cách hơn 10km không phải xa nên con luôn cố gắng mỗi tuần. Nhưng cuộc sống của chúng con cũng có những kế hoạch riêng, không thể lúc nào cũng đợi đến cuối tuần để về thăm bố mẹ. Con muốn con mình được đi chơi đây đó, được mở mang tầm nhìn.

Mẹ bắt đầu buông lời trách cứ, nói con dâu có nhà riêng thì không coi bố mẹ chồng ra gì. Đó là suy nghĩ của mẹ, con không nói vậy.

Mẹ bắt chồng con phải mang cháu về để an ủi ông bà tuổi già. Mẹ bảo cháu còn nhỏ, không cần phải đưa đi học sớm. Mẹ cũng không cho chúng con thuê giúp việc trông cháu. Con ghi nhận tình cảm của mẹ dành cho cháu và cũng chiều lòng gia đình chồng nên cho cháu về với ông bà một thời gian. 

Nhưng mẹ ơi, con không hiểu rằng mẹ trông cháu hay mẹ chỉ giữ cháu? 

Mỗi lần về nhà, nhìn mẹ cho cháu ăn, con đứt từng khúc ruột. Cháu không muốn ăn, mẹ kẹp chặt chân cháu, giữ hai tay cháu rồi ép cháu, đút thức ăn vào miệng. Nhìn cảnh tượng ấy con không đành lòng. Con phản ứng thì mẹ nói: “Không chăm con được ngày nào mà ra vẻ”. Thưa mẹ, đâu phải con không muốn chăm con, đó là vì mẹ muốn giành phần chăm cháu.

Lần nào con về nhà, cũng thấy mẹ bật tivi cho cháu xem. Dù là ông bà ngồi ngay bên cạnh, rảnh rỗi nhưng cũng không bày trò chơi cho cháu. Lúc mẹ nấu cơm, mẹ lại ném cho cháu cái điện thoại, cháu tự chơi, tự cười một mình. Con nói mẹ bận thì nhờ bố trông nhưng mẹ nói bố còn bận sang hàng xóm tám chuyện và đi thể dục. 

Con ngại nên nhắc khéo mẹ nhiều lần. Nhưng câu trả lời con nhận được từ mẹ rất vô lý: “Xem điện thoại, tivi nhiều nó mới hiểu biết. Thời đại công nghệ cao, cần phải tiếp xúc công nghệ”. Con không biết suy nghĩ đó của mẹ ở đâu mà có nhưng con thấy rõ rằng, con của con đang chậm phát triển mỗi ngày. 

Con nói chồng đưa cháu lên đi học mầm non, mẹ khóc lóc, ăn vạ, nói chúng con ác với mẹ. Rằng các con không thương ông bà, để ông bà cô quạnh. Con lại cắn răng để cháu ở với ông bà thêm vài tháng.

Bây giờ, con trai con gần 3 tuổi vẫn không có đứa trẻ hàng xóm nào là bạn. Tối ngày mẹ chỉ giữ cháu ở trong nhà làm bạn với chiếc tivi. 

Hôm nay con nói với chồng quyết định đưa cháu lên, không cho ở quê nữa. Mẹ không trông được cháu thì mẹ để chúng con thuê giúp việc, xin mẹ đừng giữ cháu như vậy. Chúng con không ích kỉ, cũng không phải không thương bố mẹ. Chúng con chỉ mong bố mẹ hiểu rằng tất cả đều vì tốt cho con, cho cháu mà thôi! 

Cuối tuần nếu rảnh, chúng con sẽ cho cháu về chơi với ông bà. Con mong bố mẹ hiểu! 

Độc giả giấu tên