Có thể, bạn sẽ cảm thấy nực cười và hoang đường khi một người phụ nữ 40 tuổi như tôi lại lấy lời thoại phim ngôn tình để cảm thán cho cuộc đời mình.

Thế nhưng, các bạn có biết không, tôi ao ước được nghe câu nói: “Anh nuôi em” từ chồng mình trong suốt 15 năm qua. 

Có người sẽ bảo tôi thích ăn bám, lười biếng, chỉ muốn chồng nuôi. Không, 15 năm qua, tôi vẫn lao động cật lực, chưa bao giờ từ bỏ bất cứ cơ hội nào để kiếm tiền.

Tôi xem trách nhiệm kiếm tiền là của cả chồng lẫn vợ. Nhất là ở thời buổi này, phụ nữ và nam giới ngày càng bình đẳng trên nhiều lĩnh vực.

Vợ chồng tôi quen nhau khi vào làm cùng một công ty. Yêu nhau 4 năm, tôi thấy anh cũng chăm chỉ, hiền lành nhưng không tâm lý và chiều chuộng bạn gái.

Lần lữa mãi, tôi quyết định kết hôn với anh, bởi nhạt nhẽo một chút cũng được, miễn chịu khó làm ăn.

Sau sinh con đầu lòng, tôi chuyển chỗ làm, tìm môi trường mới để phát triển. Nhờ hăng say làm việc, tôi được cấp trên giao phó nhiều đầu việc quan trọng, cơ hội thăng tiến cứ thế mà đến.

Dù dành khá nhiều thời gian cho công việc nhưng tôi không xao nhãng việc nhà, con cái. Hy hữu lắm, cả nhà mới phải ra ngoài ăn uống.

Nhiều lúc mệt mỏi, tôi ước được anh nói: "Nghỉ ngơi đi em, anh nuôi em". Ảnh minh họa: Pexels.

Trong khi tôi không ngừng phấn đấu, chồng tôi hơn chục năm vẫn làm ở công ty cũ. Anh chẳng có một chút phát triển nào, ngoài số tuổi ngày càng tăng và được gọi là lão làng ở chỗ làm.

Vợ chồng làm cùng lĩnh vực, cho nên tôi dễ dàng nhận ra chồng mình có phần lười biếng. Tôi nhiều lần động viên, khuyên anh cố gắng làm việc nhiệt huyết, vừa tăng thu nhập vừa có cơ hội lên chức. Thậm chí, có lần tôi trút hết tâm sự, khóc với anh, mong anh nỗ lực hơn để làm chỗ dựa cho mẹ con tôi.

Thế nhưng, anh cứ thế, chầm chậm, khoan thai, ai vội vã cũng kệ. Đàn em vượt mặt cũng kệ. Cấp trên chê trách chuyên môn không cải thiện, anh nghe tai này rồi lọt qua tai kia, bay vèo đi mất.

Chồng tôi không bia rượu và chẳng thích kết giao bạn bè. Anh không cà phê, thuốc lá, chỉ thích nằm nhà ngoài giờ làm ở công ty.

Anh chơi game, chơi cờ tướng trên mạng. Con cái rủ bố chơi cùng thì anh đẩy ra, bảo phiền phức.

Làm việc hơn chục năm, lương anh chỉ được 12 triệu đồng/tháng, còn lương của tôi đã lên đến con số 30 triệu.

Với nỗ lực của tôi, nhà cửa, đối nội đối ngoại đều ổn định. Thế nhưng, nếu được hỏi có hạnh phúc không, có hài lòng với cuộc sống hiện tại không thì tôi trả lời ngay mà không cần suy nghĩ là “không”.

Trước một người chồng không có chí cầu tiến, tôi cảm giác mình mãi cô độc. Vợ chồng không có sự đồng điệu, người thì nỗ lực, vội vã tích góp, người còn lại cứ thong thả, dạo chơi.

Những lúc cố gắng làm việc đến kiệt sức, tôi rơi vào tâm trạng căng thẳng, buồn chán. Tôi nằm trên giường, khóc đến cạn kiệt nước mắt nhưng chưa bao giờ anh ấy an ủi lấy một câu.

Vài lần va chạm trong công việc, tôi ước gì mình có thể mạnh dạn xin nghỉ việc. Thế nhưng, điều đó không thể xảy ra, tôi mà nghỉ thì lấy đâu ra tiền trang trải cuộc sống.

Nhiều lúc, tôi gục mặt trên bàn làm việc, chập chờn nửa tỉnh nửa mơ. Tôi ước được chồng vỗ vai động viên và nói: “Em làm vừa sức thôi, còn lại để anh lo” hoặc “Em không thích làm nữa thì nghỉ, anh nuôi em”…

Đời không như là mơ, thực tế không bao giờ giống ngôn tình, nhưng mong muốn được “anh nuôi em” của một người phụ nữ thì đâu có gì là quá đáng, phải không?

Nếu tôi đề nghị ly hôn chỉ bởi chồng không cầu tiến, thu nhập thấp, không làm trụ cột gia đình thì có lẽ, nhiều người cảm thấy buồn cười.

Người đời có thể bảo vợ ly hôn người chồng vũ phu, cờ bạc, rượu chè… chứ chẳng ai khuyên phụ nữ bỏ chồng lười biếng. 

Chỉ ai cưới nhầm ông chồng lười kiếm tiền mới hiểu được tình thế dở khóc dở cười, bỏ thì thương vương thì tội, như tôi…

Độc giả Ái Như

Chồng bị tai nạn liệt giường vẫn ngoại tình

Chồng bị tai nạn liệt giường vẫn ngoại tình

MỸ - Cô dành nhiều tháng để chăm sóc, giúp chồng học lại cách ăn uống, đi lại, nói chuyện và sử dụng điện thoại. Tuy nhiên, cô đau đớn phát hiện anh sử dụng các kỹ năng vợ dạy để lừa dối mình.