- Tốt nghiệp Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội với tấm bằng loại khá - Tráng Seo Pao tình nguyện nộp đơn xét tuyển vào Dự án 600 trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch xã (Dự án 600), quyết tâm trở về gắn bó trên chính mảnh đất quê hương.
Tráng Seo Pao không có vẻ gì là một kiến trúc sư hay một vị cán bộ xã, mà trông anh đặc sệt một anh chàng người Mông đang sắp thổi kèn lá nhưng lại mặc áo sơ mi.
Phó chủ tịch xã Tráng Seo Pao trong một lần về Hà Nội |
Tráng Seo Pao, Phó chủ tịch xã Hoàng Thu Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai giải thích một cách đơn giản lý do trước đây anh chọn học Kiến trúc – ngôi trường dường như có vẻ “sang chảnh” với một học sinh người dân tộc.
“Ngay từ trước khi đi học tôi đã xác định sau khi có chuyên môn là sẽ quay về địa phương nếu Nhà nước cho cơ hội. Tôi chọn học về xây dựng dân dụng và công nghiệp vì tôi có lực học tốt khối A, và tính toán tương đối tốt. Hồi ở nhà, tôi vẫn thấy dân thuê người xây dựng chuồng trại, nhà cửa mà vì không biết tính toán nên nhiều khi rất thiệt thòi… Muốn xây dựng diện mạo nông thôn mới thì phải có thiết kế, tính toán về vật liệu…”.
Sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo, Tráng Seo Pao có hoàn cảnh khác biệt với đa phần các bạn trong trường. “Chính bản thân tôi chứng kiến cảnh nghèo của bà con, những lo lắng, mong muốn thoát nghèo của bà con mà chưa tìm được. Bà con vẫn ngày lên nương tối lên rừng ngủ, trồng ngô trồng lúa thôi, nuôi cho có động vật trong gia đình khi cần thì thịt thôi. Bà con chưa biết chăn nuôi, đầu tư theo mục tiêu kinh tế, nên bà con có thể vì đi lên nương trồng ngô mà để cho lợn gà chết đói ở nhà”.
Vì vậy mà mặc dù học về kỹ thuật nhưng Tráng Seo Pao vẫn nghiên cứu kỹ cả kiến thức chăn nuôi, trồng trọt. Tới khi ra trường, Tráng Seo Pao tình nguyện nộp đơn xét tuyển vào Dự án 600, trở về địa phương để tham gia góp phần định hướng cho bà con nông dân từng bước thoát nghèo.
Tráng Seo Pao cho rằng khi trở thành phó chủ tịch xã lợi thế lớn của anh là “sinh ra lớn lên tại địa phương nên tôi rất hiểu tâm tư nguyện vọng của bà con. Trong quá trình đi học đại học, tôi cũng chia sẻ nhiều với bà con. Vì vậy mà khi nhận được tin là tôi quay lại thì bà con rất mừng”. Nhờ lợi thế này mà tất cả những định hướng mà Tráng Seo Pao đưa ra được bà con rất ủng hộ nên triển khai công việc khá thuận lợi.
“Khi về địa phương, việc đầu tiên tôi làm xuống thôn bản để nắm lại tâm tư, nguyện vọng của bà con nhân dân, đặc biệt là những khó khăn lớn của bà con, theo đó trực tiếp tham mưu với cấp ủy chính quyền để thực hiện những biện pháp của mình, cùng với bà con khắc phục”.
Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Thu Phố - anh Tráng Seo Pao - cùng người dân làm đường bê tông (Ảnh TL) |
Có đường, tới con ngựa thồ cũng bớt được gánh nặng
Điều khó khăn nhất của bà con xã Hoàng Thu Phố ở thời điểm đó theo anh Pao là vấn đề giao thông nông thôn.
Trước đây từ trung tâm đi vào xã chỉ có một con đường mòn vượt qua một dốc núi cao, dốc núi này bị xói lở trơ toàn đất đỏ, vậy nên theo tiếng dân tộc bà con địa phương gọi "Hoàng Thu Phố" là "Phố dốc vàng". Sau này, mặc dù Đảng và Nhà nước đã đầu tư, mở những tuyến đường lớn đến trung tâm xã, thôn, bản, nhưng đường từ các trục chính về các hộ gia đình còn rất khó khăn, chủ yếu là đường núi, chỉ trâu bò ngựa đi được thôi. Ngày nắng thì bụi bặm, tới ngày mưa những ổ voi, ổ gà lại trở thành những vũng bùn lầy lội…
Cũng có những hộ dân có điều kiện mua được xe máy nhưng phải vứt ngoài đường chứ không mang về tới tận nhà được. Xe vài chục triệu để ngoài đường, trâu bò húc phải, xe đổ lại hỏng hết.
Tuy nhiên, lúc đầu đề án này không được nhân dân làm theo vì không tin. Xin được huyện hỗ trợ 106 khối cát, Pao cùng các cán bộ xã góp tiền mua đá, tập trung thi công tại một thôn điểm. “Lúc đầu nhân dân nghĩ là đường dốc, lầy lội như thế đổ bê tông chắc chắn là không tốt, không làm được. Nhưng sau vài ngày triển khai thực hiện tuyến đường lầy lội đã trở thành tuyến đường bê tông, xe máy chạy êm đềm trên đó. Thế là nhân dân mới bắt đầu tin tưởng” – anh Pao nhớ lại.
Khi nhân dân đã tin, mọi việc trở nên thuận lợi.
Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy, ủy ban chính quyền xã từ việc thiết kế, giám sát, trực tiếp thi công, sau 3 năm đề án đã hoàn thiện. 12/12 thôn bản của xã Hoàng Thu Phố có đường liên gia ngõ xóm với 17 km, đã xong trước ngày 30/12/15, hoàn thành trước kế hoạch 2 năm.
Hào hứng với kết quả xây đường mà xã vừa hoàn thành, anh Pao khẳng định “Có đường rồi nhân dân sẽ có tất cả. Các em học sinh đi học dễ dàng hơn, người dân có thể chở vật liệu về xây dựng chuồng trại, sân phơi. Có sân phơi chuồng trại có thể chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Ví dụ ở đây có cây năng suất rất cao là ngô lai. Cây này thu hoạch sớm hơn giống ngô địa phương, nhưng khi thu hoạch vẫn còn tươi, nếu không dược phơi sấy kịp thời sẽ bị ẩm mốc rất nhanh. Khi đã có sân phơi, nhân dân chuyển đổi được từ giống ngô địa phương năng suất thấp sang giống ngô năng suất cao đó.
Có đường, nhân dân cũng tập trung xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn, gà, đặc biệt là xây dựng các công trình vệ sinh. Ở miền núi để vận động xây được cái nhà tiêu là cực kỳ khó khăn, nhưng cùng với đề án xây dựng đường liên gia, đến nay chúng tôi đã vận động bà con xây dựng được hàng trăm cái nhà tiêu”.
“Và điều quan trọng là khi có đường rồi tất cả những sản phẩm mà nhân dân sản xuất ra dễ dàng đưa đi tiêu thụ. Dân dễ mua được các vật liệu, hàng hóa phục vụ cuộc sống, giảm bớt được gánh nặng – theo nghĩa đen – trên vai mình, trên lưng ngựa” – anh Pao nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Thu Phố - anh Tráng Seo Pao - cùng người dân làm đường bê tông (Ảnh TL) |
Tôi muốn các em được học
Tráng Seo Pao có niềm tự hào là người địa phương đầu tiên học đại học, và cũng là người địa phương đầu tiên học đại học chính quy bên kỹ thuật. Năm 2011 Pao ra trường, anh trở thành là người đầu tiên có bằng đại học ở xã. “Nhưng đến giờ này cũng có trên dưới chục người có bằng đại học, tại chức, cử tuyển, có thêm anh, chị, em đang học đại học” – Pao vui mừng cho biết.
Sinh năm 1983, phải tới khi đã 10 tuổi Pao mới vào học lớp 1. “Ngày trước cả xã mới có một trường học cách nhà cả chục km, nên 10 tuổi tôi mới đi học. Từ nhà tôi tới điểm trường phải đi qua 7, 8km đường rừng núi mới tới, sáng đi tối về, nên các bạn bè cùng trang lứa với tôi chủ yếu học hết lớp 5, lớp 6 hoặc học dở lớp 3, lớp 4 thôi rồi về giúp bố mẹ. Hoặc bắt đầu vào cấp 2 là xây dựng gia đình vì lúc đó cũng 18, 19 tuổi rồi. Học xong lớp 12 tôi đã 22 tuổi. Học đại học 5,5 năm nữa, khi về quê tôi đã 28 tuổi”.
Trong quá trình học ở thành phố, Tráng Seo Pao có suy nghĩ làm thế nào nâng cao cuộc sống, chứ chưa bao giờ nghĩ đến thay đổi nơi sống. “Vì bố mẹ, anh chị, các cháu tôi ở nhà rất khó khăn. Người dân ở đây suy nghĩ vẫn quanh quẩn ở chỗ con cái cho đi học một chút rồi bắt nó nhanh về để giúp bố mẹ, việc giao sát sạt, chứ không nghĩ tới việc cho con đi học thêm buổi chiều, hay học lực của con như thế nào”.
Theo anh Pao, trẻ em ở địa phương hiện nay khó khăn nhất là điều kiện học tập. “Rồi sau khi ra trường có những em không xin được việc làm nên ảnh hưởng tới các em sắp sắp hết cấp 3. Các em e dè, sợ không dám học thêm lên”.
“Nếu không thay đổi được tư tưởng không coi trọng việc học, không có cách giúp các em kiếm việc làm, thì bà con lúc nào cũng sẽ khó khăn thôi. Bố mẹ đã khổ rồi, con cái không được học hành, tiếp thu kiến thức, nắm chủ trương xu thế biến đổi của xã hội sẽ lại theo chân bố mẹ mà chịu khổ”.
Nói về công việc hiện tại của mình, anh Pao cho rằng làm phó chủ tịch xã thoạt nghe có vẻ không đúng chuyên môn học đại học, nhưng anh áp dụng được chuyên môn vào công việc. “Khi học đại học, tôi học được cách tính toán về khối lượng vật liệu, cách thức xây dựng nhà cửa. Về xã làm cùng với chương trình xây dựng nông thôn mới của nhà nước nên áp dụng luôn được kiến thức của mình.
Tôi cũng tham khảo qua các bạn học ở các trường kinh tế, nông nghiệp nên trong quá trình triển khai công việc thực tế cũng làm được”.
Dự án 600 tới tháng 6/2017 sẽ kết thúc. “Mong muốn của tôi và bà con nhân dân là Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm, có chủ trương chính sách để những đội viên dự án tiếp tục cống hiến sức trẻ, cùng với bà con nhân dân từng bước xóa đói giảm nghèo ở những vùng đặc biệt khó khăn. Và Đảng và Nhà nước tiếp tục có chính sách thu hút trí thức trẻ có năng lực, trình độ về với bà con nhân dân, để từng bước giảm khoảng cách giữa cuộc sống ở thành thị và nông thôn” – anh Pao trăn trở.
Ngân Anh ghi