- Ngồi bệt ở vỉa hè trước cổng tòa, người phụ nữ ôm ngực khóc tức tưởi. Mặc trời mưa, mặc những ánh mắt tò mò của những người qua lại, bà không ngừng nấc lên từng tiếng.

Phận đắng

Bà Đặng Thị T. (ở Sóc Sơn, Hà Nội) bắt đầu câu chuyện của mình bằng nước mắt chứa chan. Cuộc sống khó khăn, hàng ngày bà kẽo kẹt trên chiếc xe đạp cà tàng, chở theo gà ra trung tâm Hà Nội bán. Gánh nặng nuôi hai con của bà càng trĩu nặng bởi những trận đòn của người chồng không chung thủy.

Sau khi ly hôn chồng, vì không còn chỗ ở, ngày 24/10/1996, bà T. có thoả thuận mua một phần thửa đất của anh trai là ông Đặng Đình H.

{keywords}
(Ảnh minh họa)

Mảnh đất có diện tích 125 m2  và có giá 4,9 triệu đồng. ông H. đã viết giấy giao đất và photo lại cho em gái một bản. Trên giấy giao đất có cả vợ ông H. là bà Q. ký tên. Do thời điểm đó, thửa đất chưa có sổ đỏ nên chưa làm thủ tục chuyển nhượng theo quy định.

Năm 1999, bà T. chuyển về mảnh đất mua của anh trai để sinh sống. Đến năm 2006, thấy anh trai được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bà T. đề nghị anh làm thủ tục tách sổ đỏ. Thời điểm đó, ông H. chỉ viết một giấy giao đất cho em gái.

Từ việc này, đến năm 2009, giữa hai anh em bà T. phát sinh tranh chấp. Bà T. đã gửi đơn đề nghị UBND xã Đức Hoà, huyện Sóc Sơn, Hà Nội giải quyết tranh chấp. Mặc dù chính quyền xã đã nhiều lần tổ chức hoà giải, nhưng ông H. vắng mặt. Ông này đòi giảm diện tích đã bán cho em gái còn hơn 90m2.

Năm 2013, đỉnh điểm của mâu thuẫn giữa hai anh em bà T. nổ ra khi gia đình ông H. đã tự ý phá dỡ nhà do bà T. xây dựng.

Vì việc này, vợ chồng người anh bị truy tố tội Hủy hoại tài sản và được hưởng án treo. Tuy nhiên, sau đó không lâu, vẫn liên quan đến chuyện đất đai, thêm một lần nữa, vợ chồng ông H. bị đưa ra toà xét xử tội Chống người thi hành công vụ.

Án chồng án, theo quy định của pháp luật, bản án tù treo trước đó của vợ chồng ông H. bị chuyển thành án tù giam.

Bà T. cho hay, việc anh trai và chị dâu phải đi tù là điều mà bà không hề mong muốn. Và bởi chưa có chỗ trú thân, muốn đòi lại nhà, bà T.  tiếp tục đề nghị anh trai thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Trong khi đó, lời khai của ông H. cho thấy, giữa ông và em gái có thoả thuận chuyển nhượng 125m2 đất, để bà T. có chỗ ở. Kèm theo đó là điều kiện, khi bà T. có tiêu chuẩn mua đất giãn dân thì phải nhượng lại cho ông H.

Đến năm 2006, ông H. có viết lại giấy giao đất và cam kết về việc mua suất đất giãn dân của bà T. Nhưng khi có đợt phân đất, bà T. đã không làm đơn, kê khai làm thủ tục xin cấp đất giãn dân, khiến ông H. không mua được đất. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp giữa hai anh em.

Đau lòng tranh chấp giữa hai anh em

Mở phiên tòa dân sự sơ thẩm, TAND huyện Sóc Sơn cho rằng, hợp đồng chuyển nhượng giữa bà T. và ông H là vi phạm, vì đây là tài sản chung của hai vợ chồng. Ông H. đã tự ý một mình thực hiện giao dịch.

Toà đã bác đơn của bà T. về yêu cầu ông H. tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng 125m2 đất, buộc nguyên đơn phải giao đất lại cho ông H. 

Về trách nhiệm dân sự, ông H. phải trả lại một nửa số tiền đã nhận của bà T., quy đổi giá trị thời điểm hiện tại là hơn 200 triệu đồng.

Sau bản án trên, VKS, cũng như nguyên đơn, bị đơn đều kháng cáo. VKS kháng cáo xem xét lại bản án dân sự sơ thẩm trên; bà T. đề nghị được trả lại đất đã mua của anh trai; còn ông H. chống án vì cho rằng, ông ta chỉ phải đền bù hơn 2 triệu đồng chứ không phải 200 triệu đồng như Tòa đã tuyên.

Ngày 6/4, TAND Hà Nội mở phiên tòa dân sự phúc thẩm và đã quyết định huỷ bản án dân sự sơ thẩm vì cho rằng, cần phải giám định chữ viết trên giấy mua bán giữa bà T. và ông H.

Ông H. được đưa từ trại giam đến dự tòa. Nhìn thấy em gái, người anh buông những câu khiến bà T. thấy đau lòng.

Bà T. cho biết, từ khi bị anh phá nhà, con trai bà phải đến ở nhờ nhà vợ, đứa con gái thuê nhà trọ học, còn bản thân bà phải đi làm giúp việc để có chỗ trú thân.

Phiên tòa tan đã lâu, bà T. không thể lê gót ra về. Bà ngồi bệt ở vỉa hè ngoài cổng tòa, mặc trời mưa, mặc ánh mắt hiếu kỳ của người qua lại, bà thổn thức khóc...

  • T.Nhung