Chồng tự thử thai cho vợ
Mới đây, nữ nhân viên văn phòng Nguyễn Thị Tường Vi (28 tuổi, TP.HCM) đã có những chia sẻ hài hước và xúc động về hành trình làm mẹ tại chương trình Tâm sự mẹ bỉm sữa.
Hiện tại, Tường Vi làm mẹ của 2 bé, gồm: 1 bé trai 3 tuổi, 1 bé gái 13 tháng tuổi. Trước đó, từ lúc chưa lập gia đình, qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán Vi bị đa nang buồng trứng, có thể khó có con.
Bẵng đi một thời gian, Vi lấy chồng và cũng quên mất chẩn đoán trước đó của bác sĩ. Trong một lần trò chuyện, bố chồng của Vi có đề cập đến kế hoạch sinh nở của các con.
Ông nói: “Nếu hai con muốn có con, sau 6 tháng hoặc 1 năm mà chưa có em bé thì nên đến bệnh viện kiểm tra. Ngược lại, nếu cả hai không muốn có con thì cứ nói thẳng để bố mẹ không phải trông ngóng”.
Lúc này, Vi mới nhớ lại chẩn đoán của bác sĩ. Vi liền kể chuyện này với chồng. Bất ngờ, chồng của Vi bảo: “Anh cưới em về làm vợ, chứ đâu phải cưới máy đẻ. Nếu không có con thì mình tính theo hướng khác”.
Được chồng động viên, Vi lạc quan hơn và ít nghĩ đến chuyện nhất định phải mang thai. Tuy nhiên, một thời gian sau, Vi nhận ra cơ thể có vài biểu hiện khác thường. Cô nàng liền đi mua que thử thai về kiểm tra. Thế nhưng, kết quả lại khiến Vi thất vọng. Que thử không lên vạch thứ hai.
Không tin vào kết quả ấy, chồng Vi đến một tiệm thuốc tây khác mua que thử thai. Vi thử lại và không có gì thay đổi.
Ba tuần sau, Tường Vi chuẩn bị đi đu lịch cùng công ty. Chồng Vi cảm thấy không an tâm nên muốn vợ thử thai một lần nữa.
“Lần này, chồng tôi mua 3 que thử thai của một nhãn hiệu khác. 4h sáng, anh gọi tôi thức dậy vào nhà vệ sinh kiểm tra. Tôi chỉ việc đưa 3 chiếc ly có mẫu thử cho chồng, rồi tắm rửa, thay đồ chuẩn bị đi chơi. Chồng tôi tự lấy que cắm vào cả 3 mẫu thử và ngồi chờ kết quả”, Tường Vi vừa kể vừa cười.
Khi Vi vừa bước ra khỏi nhà vệ sinh, ông xã bước đến ôm chầm lấy cô. Anh nói: “Em giỏi quá, em nhìn nè, 2 vạch đó thấy chưa. Những lần trước chắc chắn là em làm sai nên kết quả không đúng”.
Hạnh phúc khi sống cùng con
Trong quá trình mang thai, Tường Vi gặp khá nhiều khó khăn. Đầu tiên, cánh tay của Vi thường bầm xanh sau mỗi lần lấy máu xét nghiệm. Ngoài ra, Vi còn nghén nặng, ăn gì cũng ói ra, ngoại trừ món hủ tiếu bò kho.
Sức khỏe không ổn định, có lần Vi ngất xỉu ở công ty. Cô được đồng nghiệp đưa vào bệnh viện cấp cứu. Khi tiếp nhận, nữ y tá phát hiện cánh tay của Vi bị bầm nên hiểu lầm cô bị chồng bạo hành. Các nữ y tá đều nhìn chồng Vi bằng ánh mắt bức xúc.
Đến tận lúc Vi được xuất viện, nữ y tá vẫn ghé vào tai cô nói nhỏ: “Có việc gì em cứ báo bệnh viện, chúng tôi sẽ hỗ trợ em”.
Đến tháng thứ 4 của thai kỳ, nữ nhân viên văn phòng bị mắc bệnh thủy đậu. Suốt 3 tuần không ngồi dậy nổi, Vi lo sợ con sẽ bị ảnh hưởng về sau. Vừa hết thủy đậu, Vi lại động thai, phải nằm một chỗ trong 3 ngày liền.
Chưa đến ngày dự sinh, Tường Vi đã thấy bụng đau râm râm. Cô nàng gọi chồng về đưa đi sinh, đồng thời báo tin để mẹ ruột từ quê lên TP.HCM hỗ trợ.
Vi đau hơn một ngày mà vẫn chưa thể sinh con. Thai nhi khá to nên khó sinh thường. Sau đó, Vi được đưa vào phòng mổ.
“Con trai tôi nặng 3,9kg, nước da đen lắm. Đen đến nỗi chồng tôi không tin đó là con mình. Ảnh hỏi bác sĩ có nhầm lẫn gì không”, Vi cười lớn.
Nếu như mang thai con đầu lòng vất vả thì sang bé thứ hai, Vi không gặp nhiều trở ngại. Thai nhi khỏe mạnh, không làm mẹ nghén.
Tuy nhiên, đến lúc sinh, Tường Vi mắc Covid-19, chồng cô cũng vậy. Vi được chuyển vào khu vực sinh dành cho sản phụ mắc Covid-19, còn chồng cô phải về nhà điều trị.
Không có chồng bên cạnh, dù mẹ chồng chăm sóc rất chu đáo nhưng Vi vẫn cảm thấy tủi thân và giận chồng vô cớ.
Lúc Vi sinh bé thứ hai, bé trai đầu được đưa về quê cho bà ngoại chăm sóc. Xa mẹ, bé dần bộc lộ những dấu hiệu bất thường. Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán con trai của Vi bị tăng động giảm chú ý dẫn đến chậm nói và thường xuyên la hét, đánh mẹ.
“Tôi tự trách mình đã không ở bên cạnh lúc con cần. Tôi tự nhận tất cả là lỗi của mình nên quyết định chính mình phải chăm sóc cả 2 con. Thế nhưng, đó là việc làm quá sức với người mới sinh như tôi. Tôi suy sụp, khóc òa mỗi khi chồng đi làm về”, nữ nhân viên văn phòng tâm sự.
May mắn, chồng Vi rất điềm tĩnh, an ủi vợ phải kiên nhẫn. Sau đó, vợ chồng Vi làm theo hướng dẫn của bác sĩ và cho con theo học ở trường dành cho các bé chậm nói.
Một thời gian sau, con trai của Vi có sự thay đổi rõ rệt. Năm 3 tuổi, bé bắt đầu gọi mẹ, biết tự ăn, tự đi vệ sinh…
Chứng kiến sự phát triển vượt bậc của con, vợ chồng Vi nhận ra được ở bên các con mới là hạnh phúc.