Là cơ quan đầu tiên áp dụng cơ chế khoán xe công đối với một số chức danh, từ hôm nay (3/10), 6 Thứ trưởng và 5 Tổng cục trưởng của Bộ Tài chính bắt đầu bắt taxi hoặc tự lái xe đến trụ sở làm việc.
Bộ Tài chính là cơ quan đầu tiên có quy định cụ thể về khoán xe công cho chức danh Thứ trưởng, Tổng cục trưởng (và tương đương)
Hôm nay (3/10), thực hiện Quyết định do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng ký, 6 vị Thứ trưởng và 5 Tổng cục trưởng Bộ Tài chính chính thức nhận khoán kinh phí sử dụng xe chức danh.
Trong đó, 6 vị Thứ trưởng sẽ nhận khoán tiền sử dụng xe công từ 3,96 triệu đồng đến 9,9 triệu đồng/người/tháng cho 2 chặng từ nơi ở đến nơi làm việc mỗi ngày.
Bộ Tài chính là cơ quan đầu tiên có quy định cụ thể về khoán xe công cho chức danh Thứ trưởng, Tổng cục trưởng (và tương đương) |
Cụ thể, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Chí và Thứ trưởng Trần Xuân Hà sẽ có mức khoán kinh phí sử dụng là 9,9 triệu đồng/tháng (với số km khoán tương đương là 15 km/lượt).
Thứ trưởng Vũ Thị Mai và Thứ trưởng Trần Văn Hiếu được áp dụng mức kinh phí sử dụng xe công là 5,28 triệu đồng, tương đương với số km đi là 8 km/lượt. Chỉ có Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải được áp dụng mức khoán thấp nhất với số tiền 3,96 triệu đồng do khoảng cách đi lại là 6 km/lượt.
Chia sẻ với phóng viên, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn vui vẻ nói: "Tôi không biết lái xe nên từ nay tôi sẽ đi làm bằng taxi".
Ông Tuấn cho biết thêm: "Với những sự kiện, các cuộc hội họp và những chuyến công tác phát sinh khác thì vẫn có tài xế đến tận nhà để đưa đón, chính sách mới chỉ áp dụng với tuyến đường hàng ngày từ nhà lên cơ quan và ngược lại".
Được biết, ngoài Thứ trưởng Tuấn thì Thứ trưởng Vũ Thị Mai cũng sẽ đi làm bằng taxi. Trong khi đó Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng tự túc bằng cách sử dụng xe cá nhân.
Tại một cuộc họp báo chuyên đề về tài sản công mới đây, ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý Công sản, Bộ Tài chính cho biết, cơ chế được bộ ban hành còn việc tự túc đi lại như thế nào sẽ do cá nhân các lãnh đạo cân đối dựa trên hoàn cảnh cụ thể của từng người.
Là cơ quan Nhà nước đi đầu về cơ chế khoán xe công cho Thứ trưởng và Tổng cục trưởng, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu nhân rộng mô hình khoán xe và tính toán sao cho phù hợp với thực tiễn tình hình.
Tuy nhiên, cơ chế khoán xe thường chỉ được áp dụng với một số chức danh nhất định, và phải có lộ trình chứ khó mà áp dụng đồng loạt với tất cả các cơ quan trên cả nước. Điều này phụ thuộc vào địa bàn, đặc điểm từng nơi và đảm bảo được an ninh, an toàn.
Hiện tại, do đang trong giai đoạn chuyển tiếp, những bước đi đầu tiên cần thực hiện thận trọng nên Bộ Tài chính mới chỉ áp dụng cơ chế khoán xe đưa đón 2 chặng/ngày từ nhà đến nơi làm việc, tuy nhiên, sau khi có đánh giá đầy đủ, bộ này dự kiến sẽ mở rộng diện khoán xe. Cụ thể, để tiết kiệm và hiệu quả, có thể sẽ tính đến khoán cả kinh phí sử dụng xe cho cả đi công tác, đi họp hành.
Báo cáo tài sản Nhà nước năm 2015 của Chính phủ cho biết, tổng số xe ô tô công của cả nước là 37.772 chiếc, với tổng nguyên giá gần 23.000 tỷ đồng. Trong đó, xe phục vụ chức danh 900 chiếc (các chức danh có hệ số 0,7 trở lên được sử dụng xe công và từ 1,25 trở lên thì được đưa đón), xe phục vụ công tác chung 23.959 chiếc và xe chuyên dùng 12.913 chiếc.
Sau thời gian sử dụng, quỹ xe công có tổng giá trị còn lại theo sổ kế toán là 6.721 tỷ đồng, bằng khoảng 29% tổng nguyên giá. Phần lớn xe ô tô công đã sử dụng trên 2/3 thời gian theo chế độ quy định.
(Theo Dân Trí)