- Việc Học viện Báo chí và Tuyên truyền áp dụng chuẩn đầu ra môn Ngoại ngữ từ khóa 32 (tốt nghiệp năm 2016) khiến không ít sinh viên lo lắng. Nhà trường có làm khó sinh viên?

Sáng 18/5, VietNamNet có buổi làm việc với nhà trường.

Phó Giám đốc Học viện Báo chí - Tuyên truyền Lưu Văn An cho rằng, chuẩn đầu ra môn Ngoại ngữ áp dụng từ khóa K32, tốt nghiệp năm 2016 là “vì lợi ích của sinh viên”.  Trước khi đưa quy định mới vào áp dụng, học viện đã có tham khảo cách làm của các trường như Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Thương Mại, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội), Trường ĐH Hà Nội...Đồng thời, có khảo sát năng lực sinh viên để áp dụng chuẩn phù hợp cho từng ngành/ chuyên ngành.

{keywords}
Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền Lưu Văn An (Ảnh: K.O)

Ông Vũ Thành Công, quyền Trưởng khoa Ngoại ngữ (Học viện Báo chí - Tuyên truyền) cho biết thêm, khi áp dụng chuẩn Ngoại ngữ từ khóa 32 là quy định bắt buộc "sinh viên muốn nhận bằng tốt nghiệp thì phải có chứng chỉ môn Ngoại ngữ theo chuẩn quy định của nhà trường" cũng có bộ phận sinh viên lo lắng. 

"Tuy nhiên, chúng ta đã nghe phàn nàn quá nhiều về việc "vào bao nhiêu ra bấy nhiêu" - dẫn đến có những sinh viên không tìm được việc làm, nhà tuyển dụng phải đào tạo lại. Do đó, nhiệm vụ của các trường là phải cho "ra lò" những sản phẩm có chất lượng - đồng nghĩa với việc sẽ có những sinh viên chưa ra trường đúng hạn vì chưa đạt chuẩn?" - ông Công nói. 

Nâng chuẩn không đột ngột

Theo ông Lưu Văn An, từ đầu năm 2013, nhà trường đã thông báo cho sinh viên về việc áp dụng chuẩn đầu ra môn Ngoại ngữ. Và từ 2014-2016 nhà trường cũng có các thông báo nhắc nhở để không quá đột ngột với các em.

Tuy nhiên, sinh viên khóa K32 đón nhận quy định mới này của nhà trường vẫn có không ít lo lắng, vì cho rằng chuẩn đầu ra môn Ngoại ngữ cao quá.

Cụ thể, sinh viên K32  các ngành/chuyên ngành thuộc khối Lý luận chính trị chỉ được công nhận tốt nghiệp nếu đạt năng lực ngoại ngữ trình độ A2 khung châu Âu (tương đương 400 điểm TOEIC hoặc 430 điểm TOEFL hoặc 4.0 điểm IELTS).

Sinh viên từ khóa 32 trở đi các ngành/chuyên ngành Quản lý kinh tế, Quay phim truyền hình, Xuất bản, Công tác xã hội chỉ được công nhận tốt nghiệp nếu đạt năng lực ngoại ngữ trình độ B1 khung châu Âu (tương đương 450 điểm TOEIC hoặc 470 điểm TOEFL hoặc 4.5 điểm IELTS).

Sinh viên khóa 32 các ngành/chuyên ngành Xã hội học, Báo in, Báo Ảnh, Báo Phát thanh chỉ được công nhận tốt nghiệp nếu đạt năng lực ngoại ngữ trình độ B1 khung châu Âu (tương đương 450 điểm TOEIC hoặc 470 điểm TOEFL hoặc 4.5 điểm IELTS).

Sinh viên khóa 32 trở đi các ngành/chuyên ngành Báo Truyền hình, Báo Mạng điện tử, Quảng cáo, Quan hệ công chúng, Thông tin đối ngoại, Quan hệ chính trị và truyền thông quốc tế chỉ được công nhận tốt nghiệp nếu đạt năng lực ngoại ngữ trình độ B2 khung châu Âu (tương đương 500 điểm TOEIC hoặc 510 điểm TOEFL hoặc 5.0 điểm IELTS).

Sinh viên khóa 32 ngành Ngôn ngữ Anh chỉ được công nhận tốt nghiệp nếu đạt trình độ ngoại ngữ C1 khung châu Âu (tương đương 600 điểm TOEIC hoặc 560 điểm TOEFL hoặc 6.5 điểm IELTS. Đồng thời, SV ngành Ngôn ngữ Anh phải có khả năng giao tiếp bằng một ngoại ngữ khác (trình độ B1) trong các tình huống giao tiếp xã hội thông thường.

Theo lộ trình thông báo của nhà trường từ khóa K33, nhiều ngành còn tiếp tục được Học viện Báo chí-Tuyên truyền nâng chuẩn đầu ra ngoại ngữ.

Dù đã được thông báo nhưng có không ít sinh viên xác định: Năm nay không thể lấy bằng tốt nghiệp vì khó có thể thi được chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định của nhà trường.

Sẽ có sinh viên không đủ điều kiện để cấp bằng

Trao đổi với VietNamNet, ông Lưu Văn An khẳng định, ngoại ngữ hiện nay là yêu cầu quan trọng và không thể thiếu khi sinh viên ra trường xin việc.

{keywords}
Sinh viên đăng ký thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ sáng 18/5 (Ảnh: K.O)

Bởi vậy, tại buổi đối thoại với sinh viên về việc áp dụng chuẩn đầu ra môn Ngoại ngữ đầu năm 2016, có sinh viên đứng dậy chất vấn "Em là sinh viên vùng khó khăn, vùng không cần vận dụng ngoại ngữ trong công việc - nên có nhận chứng chỉ cũng không có ý nghĩa vì không sử dụng sẽ quên..." Tôi đã nói với các em sinh viên thế này - ông An thuật lại: Em ra trường có thể dùng ngoại ngữ hoặc không dùng ngoại ngữ tùy điều kiện công tác - nhưng đã vào môi trường Học viện thì phải theo các quy định của nhà trường.

“Yêu cầu chuẩn đầu ra ngoại ngữ trong đề án ngoại ngữ 2020 đã được Chính phủ phê duyệt và nhận chỉ đạo rất sát sao của Bộ GD-ĐT. Chúng tôi năm 2016 mới áp dụng chuẩn đâu ra vẫn còn chậm vì đây là việc phải làm” – ông An nhấn mạnh.

Quy định của học viện đã dựa trên điều kiện cụ thể và yêu cầu của từng chuyên ngành mà sinh viên theo học, mục đích cuối cùng là gắn với lợi ích và vì sinh viên.

Để nâng chất lượng ngoại ngữ của sinh viên, theo ông An, từ năm đầu vào trường, học viện đã tổ chức bài kiểm tra đánh giá năng lực tiếng Anh của sinh viên. Với 3 học phần tương đương 10 tín chỉ, sinh thi đạt trình độ nào sẽ được miễn số học phần và số tiền học phí tương ứng. Sinh viên được miễn học đến kỳ kiểm tra sẽ thi cùng các bạn như bình thường.

Bên cạnh việc học trên lớp, theo ông An phía học viện cũng tổ chức trung tâm bồi dưỡng với học phí khá thấp so với bên ngoài là nơi SV có thể chủ động chọn các mức độ đào tạo để học thêm, thi lấy chứng chỉ. Trung tâm làm rất nghiêm và cứ 3 tháng lại tổ chức thi cấp chứng chỉ cho người học.

Cùng với đó, từ khóa K34, sinh viên còn được theo học 5 tín chỉ miễn phí vào thời gian hè do các giảng viên trong trường tự nguyện đứng ra giúp đỡ.

"Tuy nhiên, sinh viên sẽ phải nỗ lực rất nhiều, 10 tín chỉ có thể chưa đủ, SV phải tự học, tự rèn luyện mới mong đáp ứng chuẩn đầu ra ngoại ngữ do học viện đề ra" - ông An nhắn nhủ.

Bằng nhiều hình thức từ thông báo để việc hỗ trợ học tập cho SV nhưng theo ông An: “Vẫn có một bộ phận các em lơ là, chủ quan với việc này dù thông báo đã có cách đây 3 năm nên thời điểm gần tốt nghiệp mới cuống lên, lo không đáp ứng được. Do vậy đợt tốt nghiệp tới đây chắc chắn sẽ có em không đủ điều kiện để được cấp bằng”.

Số lượng SV này, theo ông An sẽ nhiều hơn con số 30-50 SV không đủ điều kiện tốt nghiệp như những năm trước đây. Và rằng “đây là việc bình thường vì học tín chỉ sẽ có người tốt nghiệp sớm, đúng thời hạn hoặc lâu hơn”.

Chỉ 40% sinh viên, lấy được chứng chỉ

Ông Trần Văn Thư, Phó trưởng Ban quản lí đào tạo, Phụ trách trung tâm bồi dưỡng (Học viện Báo chí - Tuyên truyền) cho biết trong năm 2016 trung tâm đã tổ chức 4 đợt thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ cho người học (đa phần là SV của trường). Số lượng thí sinh vượt qua các bài thi chỉ khoảng 40%.

Trong ngày 20/5-21/5 trung tâm sẽ tổ chức cho gần 900 sinh viên thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ.

  • Văn Chung – Kiều Oanh