Ngày 31/8, Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT đã có công văn gửi đơn vị chuyên trách về CNTT các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các thành viên mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia; các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại.
Tại công văn này, Cục An toàn thông tin cho biết, trong thời gian diễn ra các kỳ nghỉ lễ, các sự kiện quan trọng của đất nước, nguy cơ tấn công mạng nhằm vào các hệ thống thông tin, đặc biệt là các hệ thống thông tin quan trọng, có xu hướng tăng cao.
Vì vậy, để phòng, chống nguy cơ mất an toàn thông tin xảy ra trong thời gian diễn ra Quốc khánh 2/9 và Đại hội Đảng các cấp, Cục An toàn thông tin đề nghị các cơ quan, đơn vị tăng cường triển khai công tác bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý.
Cục An toàn thông tin đề nghị các cơ quan, đơn vị khẩn trương tổ chức triển khai phương án bảo đảm an toàn thông tin mô hình “4 lớp” (Ảnh minh họa) |
Cụ thể, các cơ quan, đơn vị được đề nghị khẩn trương tổ chức triển khai phương án bảo đảm an toàn thông tin mô hình “4 lớp” theo hướng dẫn của Cục An toàn thông tin tại công văn 235/CATTT-ATHTTT ngày 8/4/2020.
Cùng với đó, thực hiện rà soát tổng thể các hệ thống thông tin đang vận hành, thực hiện kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin, cập nhật các bản vá lỗi mới nhất, cấu hình tăng cường bảo mật an toàn thông tin cho hệ thống.
Các cơ quan, đơn vị cũng cần xây dựng, rà soát, cập nhật phương án ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng đáp ứng các yêu cầu được quy định tại Điều 16, Quyết định 05/2017/QĐ-TTg ngày 16/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 20/2017/TT-BTTTT ngày 12/9/2017 của Bộ TT&TT cho phù hợp với tình hình thực tế của cơ quan, tổ chức.
Đặc biệt, Cục An toàn thông tin lưu ý, các cơ quan, đơn vị cần đẩy mạnh nâng cao nhận thức an toàn thông tin cho người lao động trong đơn vị: cách nhận diện các thư điện tử, liên kết đáng ngờ; không mở các thư điện tử, tập tin, liên kết đáng ngờ gửi đến, kể cả từ người đã liên lạc trước đó nhưng có dấu hiệu không bình thường.
Đồng thời, chủ động tổ chức giám sát an toàn thông tin 24/7 cho hệ thống thông tin quan trọng trước và trong dịp lễ; cử đầu mối tiếp nhận thông tin với Cục An toàn thông tin.
Trong trường hợp cần hỗ trợ giám sát, xử lý, ứng cứu sự cố, các cơ quan, đơn vị có thể liên hệ với đầu mối là: Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) theo số điện thoại 024.3640.4424 hoặc số điện thoại trực đường dây nóng ứng cứu sự cố 086.9100.317, hộp thư office@vncert.vn; Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) theo số điện thoại 02432091616 trực đường dây nóng hỗ trợ giám sát, cảnh báo sớm và thư điện tử ais@mic.gov.vn.
Trường hợp phát hiện nguy cơ, sự cố tấn công mạng, các cơ quan, đơn vị cần thông báo, báo cáo sự cố với Trung tâm VNCERT/CC qua địa chỉ thư điện tử thongbaosuco@vncert.vn.
Trước đó, trong Chỉ thị 01 về định hướng phát triển ngành TT&TT năm 2020, Bộ TT&TT đã xác định: An toàn, an ninh mạng là điều kiện tiên quyết để phát triển Chính phủ điện tử và chuyển đổi số, do đó cần phải đi trước một bước; Đảm bảo an toàn, an ninh mạng đặc biệt trong năm diễn ra Đại hội Đảng các cấp và các sự kiện quan trọng của đất nước. Chỉ thị 01 cũng nêu rõ mục tiêu 100% các cơ quan, tổ chức tại Việt Nam triển khai bảo vệ an toàn, an ninh mạng theo mô hình “4 lớp”; 100% bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp điều hành, giám sát an toàn, an ninh mạng, phòng chống mã độc tập trung, kết nối chia sẻ thông tin với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia.
Theo thống kê của Bộ TT&TT, từ chỗ tỷ lệ bộ, ngành, địa phương triển khai bảo vệ “4 lớp” là 0% trong các năm 2018 – 2019, đến hết tháng 7/2020 tỷ lệ này đã là 44%. Trong đó, tỷ lệ các bộ, ngành, địa phương đã triển khai bảo vệ lớp 2 (có Trung tâm Giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng - SOC) là 59%. Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT đã kết nối tới 38 SOC của các bộ, ngành, địa phương.
Đắc Vịnh