Theo Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số (CCIHP), gần 36,5% trẻ em đã phải trải nghiệm các thông tin, hình ảnh liên quan đến bạo lực trên Internet. Hơn 13% trẻ em đã phải tiếp xúc một cách không mong muốn với các tài liệu khiêu dâm.

Còn theo khảo sát của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ngoài thời gian dành cho việc học, nhiều em sử dụng từ 5 - 7 giờ/ngày vào mạng xã hội.

Trước tình hình đó, việc tăng cường “hệ miễn dịch” bảo vệ trẻ em trên không gian mạng được đặt ra một cách cấp bách và cần thiết. 

unnamed.jpg
Cha mẹ cần trang bị cho con những kiến thức, kỹ năng cơ bản về chọn lọc thông tin trên mạng xã hội.

Mạng xã hội hay còn gọi là thế giới ảo đang là món ăn tinh thần của nhiều người, không chỉ với trẻ em. Sự phát triển của mạng xã hội mang lại nhiều lợi ích, nhưng với trẻ em, khi “hệ miễn dịch” chưa đủ chắc khỏe thì lại là vấn đề khác. Nhiều nghiên cứu cho biết, không ít trẻ bị bắt nạt trên không gian mạng gây tâm lý bị tổn thương cho trẻ, thậm chí có nguy cơ dẫn đến trầm cảm.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc mạnh mẽ để bảo vệ tốt hơn cho trẻ em trên Internet. Hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã được quan tâm xây dựng, tạo cơ sở pháp lý quan trọng như: Luật Trẻ em, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Tiếp cận thông tin. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số văn bản quan trọng nhằm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 và Chương trình Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 – 2025.

Bên cạnh đó, Việt Nam và các nước ASEAN đã thống nhất thông qua Tuyên bố về bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức bóc lột và lạm dụng trực tuyến trong ASEAN (năm 2019) và Tuyên bố về xóa bỏ bắt nạt trẻ em trong ASEAN, trong đó có bắt nạt trẻ em trên môi trường trực tuyến (năm 2021). 

Tuy nhiên, một thực tế là sự phát triển của công nghệ thông tin, Internet mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng kèm theo những rủi ro khiến trẻ em rất khó tự bảo vệ mình trên môi trường mạng nếu người lớn chưa ý thức được đây là một vấn đề hệ trọng. Chưa nói trong nhiều trường hợp, cha mẹ còn “nghiện mạng” hơn cả con, để mặc con cái đắm chìm trong thế giới ảo cốt được “yên thân”.

Đại diện Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) cho rằng, cha mẹ cần trang bị cho con những kiến thức, kỹ năng cơ bản về chọn lọc thông tin trên mạng xã hội; hướng dẫn trẻ nâng cao cảnh giác với bất cứ thông tin nào trên mạng. Hãy luôn là những bậc cha mẹ thông thái khi sử dụng công nghệ thông minh, để trẻ em luôn được an toàn trong thế giới hôm nay.

Theo ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) cho hay,  87% trẻ em Việt Nam sử dụng Internet ít nhất một lần/ngày. Như vậy, gần như phần lớn trẻ em Việt Nam ngày nào cũng sử dụng Internet. Càng đáng suy nghĩ hơn vì mục đích sử dụng Internet để học tập chỉ đứng thứ tư trong khi xem video, vào mạng xã hội, nhắn tin qua ứng dụng lần lượt chiếm 3 vị trí dẫn đầu.

Ông cảnh báo, mạng cũng giống như cuộc sống bên ngoài. Có những nguy cơ để kẻ xấu, kẻ lừa đảo dụ dỗ, đánh cắp thông tin, thậm chí là quấy rối, gây ảnh hưởng đến tâm lý, mất tiền. Người trưởng thành đã có sức đề kháng, kinh nghiệm nhận biết nguy hiểm, thông tin giả nhưng trẻ em thì không nhiều, do đó hiểm nguy là rất lớn.

Bảo vệ trẻ em trước mối nguy hại trên mạng cũng chính là bảo vệ mái ấm gia đình. Cái khó ở đây là khi dựng lên hàng rào bảo vệ thì đồng thời cũng phải cân nhắc đến quyền riêng tư của con, cũng như không để trẻ tụt hậu. Cấm đoán khắt khe hay để con quá thoải mái khi lướt mạng cũng đều không phải là giải pháp tốt.

Bà Lesley Miller, Phó trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) tại Việt Nam trong Hội thảo "Trẻ em trong thế giới số - giải quyết rủi ro và thúc đẩy cơ hội" từng chia sẻ, cứ 5 trẻ em và thanh thiếu niên thì có 1 bị bắt nạt trên mạng. Đáng lo ngại, 3/4 trong số đó không biết tìm kiếm sự giúp đỡ ở đâu.

Theo đó, bà đề xuất, cần có hành động ứng phó cấp quốc gia, tạo ra những hành động mang tính tổng thể để bảo vệ trẻ trước tình trạng xâm hại, bóc lột trên Internet. Đồng thời có khung pháp lý bảo vệ trẻ một cách hiệu quả, có tính răn đe mạnh mẽ với các hành vi xâm hại, gây tổn hại với trẻ em trên môi trường số. Đặc biệt là luôn có sự rà soát, cập nhật, bổ sung quy định xử lý các hành vi phạm tội mới trên môi trường số thay đổi nhanh chóng.

Thanh Minh