Những tuyên bố chính trị của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26 đã cho thấy vị thế, trách nhiệm của Việt Nam trong việc giải quyết những thách thức nghiêm trọng của toàn cầu đồng thời cũng chính là giúp nước ta vượt qua thách thức nghiêm trọng do biến đổi khí hậu hiện nay.
ĐBSCL của Việt Nam được đánh giá là một trong những vùng chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu. |
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã tham gia nhiều sáng kiến rất quan trọng như cam kết không xây dựng mới điện than; cam kết về bảo vệ rừng và sử dụng đất hợp lý; tham gia liên minh thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu; cùng các quốc gia thảo luận dẫn đến đồng thuận thông qua Gói Thoả thuận Khí hậu Glasgow. Đây là những cam kết rất mạnh mẽ của Việt Nam, hoà cùng với xu thế chung của nhân loại, xu thế hành động mạnh mẽ về phát triển ít phát thải.
Để đưa ra cam kết trên, ngay trước thời điểm chính thức tham dự COP26, Việt Nam đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng; trong đó có việc đưa vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, các cam kết của Việt Nam thực hiện Thoả thuận Paris vào Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, Nghị định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone; xây dựng các quy định thực hiện giảm nhẹ, thích ứng với biến đổi khí hậu đáp ứng yêu cầu minh bạch…
Thực tế, các vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu đưa vào Luật, vào Nghị định đã được chuẩn bị trên cơ sở Gói Thoả thuận khí hậu Katowice đã được thông qua năm 2018 tại COP24. Do đó, các điểm mới trong Gói Thoả thuận khí hậu Glasgow lần này như cơ chế thị trường cácbon sẽ được tiếp tục nội luật hoá để xây dựng thị trường cácbon nội địa của Việt Nam hoàn thành vào năm 2025, thực hiện thí điểm và đi vào hoạt động chính thức từ 2028.
Các quy định trên cũng là cơ sở pháp lý tạo để huy động toàn dân thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu, đúng như phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại COP26 - vấn đề toàn cầu phải có các tiếp cận toàn cầu; vấn đề tác động đến toàn dân thì toàn dân phải tham gia ứng phó.
Trên tinh thần đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo sớm ban hành Nghị định quy định giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone; danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp quốc gia để triển khai thực hiện.
Song song với đó, các bộ, ngành, địa phương cần rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; tích cực, chủ động tăng cường hợp tác quốc tế để tranh thủ nguồn lực tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực triển khai Thỏa thuận Paris và các cam kết được Thủ tướng Chính phủ tuyên bố tại Hội nghị COP26.
Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, chúng tôi đã đề xuất Thủ tướng thành lập Ban chỉ đạo để đề xuất cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi và tận dụng các cơ hội huy động nguồn lực trong, ngoài nước cho phát triển hạ tầng biến đổi khí hậu và phát triển năng lượng tái tạo; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các đối tác phát triển xây dựng đề án về nhiệm vụ, giải pháp đột phá triển khai kết quả Hội nghị COP26.
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ phối hợp với Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai điều tra khảo sát biển phục vụ quy hoạch phát triển điện gió ngoài khơi gắn với Quy hoạch không gian biển quốc gia; triển khai áp dụng các công cụ định giá cácbon, bao gồm thuế cácbon và phát triển thị trường cácbon trong nước; tuyên truyền, nâng cao nhận thức, năng lực cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để tham gia các cơ chế thị trường, phi thị trường…
Diệu Thúy