Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Chương trình), thời gian qua, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang đã tích cực triển khai, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững.
Trong quá trình thực hiện, các cơ quan chức năng của huyện xác định, tình trạng nghèo về thông tin không những gây ảnh hưởng lớn đến khả năng tiếp cận đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện Chương trình, mà còn gây thiếu hụt thông tin về đời sống, kinh tế - xã hội. Do đó, để việc thực hiện Chương trình hiệu quả, thiết thực, từ đầu năm đến nay, huyện tổ chức đối thoại với người dân ở 63 khóm, ấp, tại 26 điểm với 1.300 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, mới thoát cận nghèo tham gia.
Đồng thời, huyện xây dựng và triển khai, tổ chức thực hiện các chương trình, chuyên trang, chuyên mục, phóng sự, ấn phẩm truyền thông hay đối thoại trực tiếp, truyền thông qua hệ thống truyền thanh huyện, Đài truyền thanh các xã, thị trấn về giảm nghèo bền vững. Nội dung là định hướng cho người dân thụ hưởng Chương trình tiếp cận các dịch vụ xã hội về việc làm, giáo dục nghề nghiệp, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin, trợ giúp pháp lý, trợ giúp xã hội và bình đẳng giới... Đồng thời, huyện còn tổ chức thực hiện phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”; biểu dương, khen thưởng các địa phương, cộng đồng, hộ nghèo và tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực giảm nghèo.
Truyền thông nêu bật nhiều nội dung trọng tâm của Chương trình
Để thực hiện có hiệu quả công tác truyền thông và giảm nghèo về thông tin, cùng với việc tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở, huyện đã ban hành nghị quyết về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện công tác truyền thông về giảm nghèo đa chiều năm 2024. Đồng thời, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn chủ động xây dựng Kế hoạch tuyên truyền về giảm nghèo đa chiều và bền vững đến mọi tầng lớp Nhân dân với nhiều hình thức phong phú, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương. Huyện Châu Thành xác định đối tượng truyền thông là người dân, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và toàn xã hội, trong đó, chú trọng truyền thông cho nhóm đối tượng hưởng lợi từ Chương trình như người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên các địa bàn, xã đặc biệt khó khăn, cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp.
Tại buổi truyền thông, những nội dung trọng tâm của Chương trình được nêu bật, trong đó tập trung vào các chính sách giảm nghèo; công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm; các mô hình kinh tế giảm nghèo có hiệu quả; chính sách cho vay đối với hộ nghèo cận nghèo; chính sách hỗ trợ chi phí đào tạo nghề nông thôn ở các lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp. Đặc biệt, một số chính sách hỗ trợ người lao động khi đi làm việc tại các thị trường trong nước và tham gia xuất khẩu lao động làm việc tại thị trường nước ngoài, qua đó, tìm hiểu nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của từng nhóm đối tượng để có kế hoạch hỗ trợ đúng, phù hợp, để người dân hiểu rõ chính sách, mạnh dạn đăng ký tham gia.
Công tác truyền thông giúp cán bộ, người dân trên địa bàn huyện nắm bắt được đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác giảm nghèo. Từ đó, định hướng cho người dân cùng tham gia và quản lý các Chương trình một cách có hiệu quả, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững. Cũng thông qua hoạt động truyền thông đã tạo sự đồng thuận, ủng hộ, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của người nghèo và sử dụng có hiệu quả các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của địa phương để thoát nghèo.