Thực hiện Kế hoạch số 293/KH-UBND (7/12/2021) của UBND tỉnh Hà Giang, Nghị quyết số 18/NQ-TU (29/10/2021) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, huyện Xín Mần đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai nhiều giải pháp quan trọng trên địa bàn huyện. Trong đó, đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong nông thôn mới, tăng cường kiểm tra, giám sát công tác thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương trong huyện.
Huyện chỉ đạo các cơ quan, ban ngành của huyện, UBND các xã, thị trấn thực hiện quản lý văn bản và điều hành, ứng dụng chữ ký số phần mềm Vnptioffice, hệ thống Một cửa cấp huyện và cấp xã, thị trấn. Ban Chỉ đạo chuyển đổi số các xã, thị trấn kiện toàn lại Tổ công nghệ số cộng đồng các thôn, bản, tổ dân phố với tổng số 187 tổ, 1.010 thành viên.
Huyện đã tạo tài khoản cho các bộ các cơ quan, đơn vị và các bộ UBND các xã thị trấn để thực hiện 3 phân hệ điều hành thông minh gồm: Phân hệ họp không giấy tờ; phân hệ chỉ đạo điều hành; phân hệ báo cáo.
Văn phòng Điều phối nông thôn mới huyện tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức về nâng cao năng lực về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới và nhận thức, tư duy cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới.
Theo thống kế, huyện đã mở được 06 lớp với tổng số cán bộ được tập huấn là 420 người. Nội dung tập huấn gồm 10 chuyên đề: Quan điểm và lợi ích chuyển đổi số; Lợi ích chuyển đổi số trong nông nghiệp; Kinh tế số; Xã hội số; Chính quyền số và chuyên đề thực hành; Phổ biến các văn bản của Trung ương và tỉnh Hà Giang; Các vấn đề về xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản; Quy hoạch và đầu tư, xây dựng, sử dụng hạ tầng nông thôn mới; Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới; Phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể trong xây dựng nông thôn mới.
Huyện Xín Mần cũng cử các bộ, đại biểu tham gia tập huấn tại tỉnh về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh năm 2024 với tổng số 21 người.
Bên cạnh đó, huyện thường xuyên triển khai các văn bản hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, Cục An toàn thông tin, VNCERT về việc cảnh báo, xử lý các loại vi rút, mã độc tới các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện, UBND xã, thị trấn… Cảnh báo và hướng dẫn đảm bảo an toàn thông tin cho các cơ quan đơn vị trong các dịp lễ, Tết.
Ban Chỉ đạo nông thôn mới các xã, thị trấn, các cơ quan đơn vị trên địa bàn huyện tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tư duy về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh.
Để công tác chuyển đổi số trong nông thôn mới đạt hiệu quả cao, thời gian tới, huyện Xín Mần tăng cường công tác tuyên truyền về chuyển đổi số cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, doanh nghiệp và người dân nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số trên địa bàn huyện.
Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đối với cán bộ công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị, ban, ngành từ huyện đến cơ sở làm việc trên môi trường mạng. Đặc biệt, áp dụng 100% việc tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính trên phần mềm điện tử Một cửa liên thông 3 cấp.
Cử cán bộ, công chức, viên chức phụ trách công nghệ thông tin, chuyển đổi số các cơ quan đơn vị trên địa bàn huyện tham gia đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số do tỉnh tổ chức.
Đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số, hộp thư điện tử @hagiang.gov.vn trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, UBND xã, thị trấn. Tiếp tục đầu tư hạ tầng công nghệ đồng bộ đảm bảo việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các cơ quan, đơn vị địa phương.
Song song đó, huyện thúc đẩy hạ tầng chuyển đổi số, vận hành và khai thác những ứng dụng đã được triển khai trên địa bàn như: Hệ thống VNPT - Ioffice, hệ thống một của điện tử, hệ thống hội nghị trực tuyến, Hòm thư mail công vụ, Phầm mềm Quản lý cán bộ công nhân viên, Trang Thông tin điện tử huyện, xã, thị trấn.
Rà soát, cấp mới, bổ sung hộp thư điện tử và chữ ký số cho cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị đóng chân trên địa bàn huyện.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về xây dựng nông thôn mới và thực hiện đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP, du lịch nông thôn... Hỗ trợ người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động quảng bá, kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP trên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân thanh toán không dùng tiền mặt.
Tăng cường công tác tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của Tổ công nghệ số cộng đồng và thực hiện tốt các chỉ tiêu về chuyển đổi số năm 2024. Hàng quý tổ chức kiểm tra, giám sát các hoạt động nông thôn mới, từ đó tìm cách tháo gỡ, khắc phục kịp thời.