Nhiều quyền lợi khi tăng lương tối thiểu vùng
Bộ LĐ-TB&XH đang đề xuất xây dựng dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng, với mức tăng 6% từ ngày 1/7.
Theo đó, mức điều chỉnh tăng vùng I là 4.960.000 đồng/tháng, vùng II là 4.410.000 đồng/tháng, vùng III là 3.860.000 đồng/tháng, vùng IV là 3.450.000 đồng/tháng.
Mức lương tối thiểu giờ cũng lần đầu tiên được ban hành, với các mức: Vùng 1 là 22.500 đồng/giờ, vùng 2 là 20.000 đồng/giờ, vùng 3 là 17.500 đồng/giờ, vùng 4 là 15.600 đồng/giờ.
Việc điều chỉnh lương tối thiểu sẽ có tác động tới người lao động được trả lương theo số giờ làm việc theo quy định, không bị phụ thuộc vào hiệu suất công việc hoặc sản lượng của công nhân.
Khi lương tối thiểu được điều chỉnh tăng, ngoài việc được tăng tiền lương hàng tháng, người lao động sẽ được tăng một số quyền lợi như: Tăng tiền lương ngừng việc; tăng tiền lương tối thiểu khi chuyển công việc; tăng mức đóng bảo hiểm xã hội; tăng mức đóng bảo hiểm thất nghiệp; tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa.
Lương chưa tăng đã lo giá cả tăng theo
Lương thấp là nguyên nhân chính buộc người lao động phải thường xuyên làm thêm giờ để tăng thu nhập; nhiều công nhân phải bó hẹp trong công việc hàng ngày để kiếm thêm thu nhập.
Vì vậy khi lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng nếu không kìm hãm được tăng giá thì người lao động có thu nhập thấp sẽ rất vất vả.
Anh Nguyễn Văn Hưởng làm nhân viên bảo vệ tại một toà chung cư ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) chia sẻ, mức lương hàng tháng hiện nay anh thực nhận chỉ khoảng 4,7 triệu đồng/tháng, tháng nào làm tăng ca thì được hơn 6 triệu.
Do lương từ công việc chính chỉ đủ chi phí thuê nhà, ăn uống sinh hoạt hàng ngày nên anh Hưởng phải tranh thủ chạy thêm Grab (xe ôm công nghệ) buổi tối để kiếm thêm gửi về cho gia đình ở quê.
Anh Hưởng cho hay, qua tìm hiểu anh được biết mức lương tối thiểu vùng ở Hà Nội (vùng I) sẽ được điều chỉnh lên gần 5 triệu đồng/tháng từ 1/7, do vậy mức lương công việc bảo vệ của anh cũng sẽ được điều chỉnh tăng thêm.
Tuy nhiên, anh cho rằng, nhà nước tăng lương tối thiểu vùng phải đi cùng với các biện pháp điều tiết, không để giá các mặt hàng thiết yếu tăng cao thì tăng lương mới đem lại ý nghĩa. Còn nếu không chỉ làm cho cuộc sống của lao động chân tay như anh thêm khó khăn hơn.
“Lương tăng thêm được gần 300 nghìn đồng mỗi tháng, nhưng những mặt hàng thiết yếu như bát phở, cốc nước chè đều tăng thì đời sống của lao động chân tay như chúng tôi chắc chắn không được cải thiện”, anh Hưởng nói.
Một chuyên gia lao động cho rằng, mức lương tối thiểu vùng bản chất là bảo vệ người lao động yếu thế, đây là mức lương thấp nhất để chi trả cho người lao động trong điều kiện làm việc bình thường đảm bảo mức sống tối thiểu.
Do vậy, nếu tăng lương không kiềm chế được lạm phát, để giá cả tăng cao thì việc tăng lương tối thiểu vùng không có ý nhiều nghĩa với người lao động yếu thế.