Hiện nay trên thế giới, “Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu” (GCI) của Diễn đàn Kinh tế thế giới được công nhận rộng rãi là chỉ số phổ biến dùng để đánh giá năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế trong tương quan so sánh toàn cầu.
Nền kinh tế có được phát triển bền vững hay không phụ thuộc nhiều vào năng lực cạnh tranh quốc gia cao hay thấp cũng như mức độ thuận lợi hay kém thuận lợi của môi trường kinh doanh. |
Tập trung vào một số nhóm nhân tố
Vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã được đề cập nhất quán trong các chủ trương, chính sách của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua 30 năm đổi mới, năng lực cạnh tranh của Việt Nam có thay đổi và được cải thiện dần nhưng so với thế giới và kể cả khu vực ASEAN vẫn còn ở mức thấp.
Trong ASEAN, ngoại trừ Singapore, Malaysia, Thái Lan và Brunei có điểm số đạt trên 4,5, thứ hạng năm 2015 của Việt Nam chỉ cao hơn các nước còn lại trong ASEAN-4 (gồm: Lào, Myanmar, Campuchia, Việt Nam).
Qua phân tích các bộ chỉ số, các chuyên gia kinh tế cho rằng, một số nhóm nhân tố cần phải tập trung phân tích, đánh giá và có giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam, gồm:
Một là, nhóm các nhân tố về thể chế kinh tế và thực thi thể chế kinh tế, gồm: Các quy định pháp luật và thực thi pháp luật trong kinh doanh và cạnh tranh; vấn đề cải cách tư pháp; phòng, chống tham nhũng, cải cách hành chính công.
Hai là, nhóm các vấn đề kinh tế vĩ mô, gồm: Tính bền vững môi trường kinh tế vĩ mô; thực trạng về năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) trong mô hình tăng trưởng của Việt Nam.
Ba là, nhóm các vấn đề tiếp cận nguồn lực và thị trường, gồm: Phát triển các nguồn lực cơ bản phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; phát triển các yếu tố thị trường và các loại thị trường; năng lực hội nhập kinh tế quốc tế.
Bốn là, nhóm các vấn đề về phát triển doanh nghiệp và khởi nghiệp.
Năm là, nhóm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực an ninh, an toàn cũng như các yếu tố xã hội như y tế và giáo dục.
Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã tích cực hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, theo nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường toàn cầu; có quan hệ ngoại giao với 185 nước, quan hệ kinh tế với 224 quốc gia và vùng lãnh thổ, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 14 nước, đối tác toàn diện với 10 nước.
Cho đến nay, đã có 59 quốc gia công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường, trong đó có các đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Việt Nam đã ký kết 10 Hiệp định thương mại tự do khu vực và song phương;
Việc tham gia đàm phán, ký kết các FTA có tác động tích cực tới phát triển kinh tế song cũng đan xen rất nhiều thách thức đến từ bên ngoài và nội tại nền kinh tế, nhất là đến nay Việt Nam đã tham gia vào ba chuỗi giá trị có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu đó là: Chuỗi giá trị lương thực và an ninh lương thực; chuỗi giá trị năng lượng và an ninh năng lượng (dầu mỏ, khí, than) và chuỗi giá trị hàng dệt may và da giày.
Do vậy, việc đề ra các giải pháp thiết thực nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là rất cần thiết nhằm tranh thủ hiệu quả cơ hội và lợi ích của các cam kết hội nhập quốc tế, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và phát triển nhanh, bền vững.
Đề xuất các nhóm giải pháp
Trên cơ sở phân tích các nguyên nhân khách quan, chủ quan và các nhóm nhân tố chủ yếu, các chuyên gia đã đề xuất các nhóm giải pháp chủ yếu:
Một là, tăng cường thể chế và thực thi thể chế tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và cạnh tranh, hoàn thiện cơ chế phối hợp đa ngành, đa lĩnh vực giữa Trung ương và địa phương, đẩy mạnh cải cách tư pháp, cải cách hành chính công, tăng cường công khai minh bạch và phòng, chống tham nhũng. Giải quyết đồng bộ việc ban hành và thực thi các quy định pháp luật về kinh doanh và cạnh tranh.
Hai là, tăng cường ổn định bền vững kinh tế vĩ mô, nâng cao năng suất lao động và đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp trong mô hình tăng trưởng theo hướng thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ và tăng cường đối mới sáng tạo. Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động quốc gia và sự đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp vào mô hình tăng trưởng theo hướng thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ, xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo.
Ba là, tăng cường tiếp cận nguồn lực và thị trường trong nước, thế giới, thúc đẩy mạnh mẽ liên kết trong nước và năng lực hội nhập quốc tế. Tập trung phát triển và tăng cường tiếp cận các yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất, đặc biệt là vốn, lao động, khoa học-công nghệ, cơ sở hạ tầng và tài nguyên. Thúc đẩy các động lực cạnh tranh lành mạnh và phát huy lợi thế so sánh của các địa phương, tăng cường liên kết ngành kinh tế, chủ thể kinh tế và không gian kinh tế, vùng kinh tế, nâng cao năng lực hội nhập quốc tế.
Bốn là, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các loại hình doanh nghiệp của Việt Nam, tăng cường khởi sự doanh nghiệp. Tạo lập môi trường pháp lý bảo đảm quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế trong nền kinh tế thị trường có sự điều tiết vĩ mô của Nhà nước. Ban hành Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Công nghiệp hỗ trợ và các xây dựng chính sách phù hợp để hỗ trợ phát triển các loại hình doanh nghiệp; tăng cường hiệu quả thực hiện vai trò của Nhà nước trong định hướng phát triển hoạt động đầu tư-kinh doanh của doanh nghiệp theo cơ chế thị trường. Phát huy vai trò của các hội, hiệp hội doanh nghiệp.
Năm là, tăng cường kết nối khu vực và coi trọng các giải pháp phát triển bền vững. Xây dựng kế hoạch, triển khai hiệu quả Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững.
Hằng Nga (tổng hợp)