Phát triển bền vững đã, đang trở thành mục tiêu chung của hầu hết các quốc gia trên thế giới và là xu hướng toàn cầu hướng tới sự phát triển có thể đáp ứng được nhu cầu hiện tại mà không làm ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ trong tương lai. Trong đó, tăng trưởng xanh được coi là nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đòi hỏi sự tăng trưởng phải đảm bảo dung hòa cả 3 lĩnh vực chính: Kinh tế - xã hội - môi trường, giải quyết một cách đồng thời, hài hòa các vấn đề về môi trường và phát triển.

{keywords}
Chính phủ Việt Nam cũng nhấn mạnh tăng trưởng xanh phải đặt con người làm trung tâm, góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; tăng cường đầu tư vào bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện nâng cao chất lượng môi trường, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế.

Hơn 30 năm kể từ khi bước vào thời kỳ đổi mới, Việt Nam đã khẳng định được uy tín, thương hiệu, vị trí trên trường quốc tế với những bước tăng trưởng vượt bậc cả về kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, sự tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam trong thời gian qua vẫn dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên thiên nhiên và xuất khẩu tài nguyên dạng thô, trong khi đó tài nguyên thiên nhiên được xem là một trong 4 động lực cơ bản quan trọng nhất của tăng trưởng đã bị khai thác quá mức, thiếu kế hoạch dẫn đến nhiều hệ lụy cho môi trường và đe dọa sự phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng tiêu cực nặng nề nhất do biến đổi khí hậu gây ra; môi trường ngày càng suy thoái; thiên tai, thảm họa diễn biến thất thường gây nhiều thiệt hại về người và của; đồng thời gây những áp lực lớn cho phát triển đất nước. Các vấn đề về suy giảm đa dạng sinh học, cạn kiệt tài nguyên, nguy cơ đe dọa an ninh lương thực, thiếu hụt năng lượng đang ngày càng hiện hữu.

Do hầu hết các lĩnh vực kinh tế đều phát thải khí nhà kính, nguyên nhân gây biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường nên việc giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính được coi là vấn đề mấu chốt, nằm trong số những chỉ tiêu quan trọng của tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, năm 2010, tổng lượng phát thải khí nhà kính là 266 triệu tấn CO2 tương đương, trong đó phát thải trong năng lượng chiếm tỷ trọng lớn nhất: 53,05%, tiếp theo là nông nghiệp: 33,20%. Phát thải từ các quá trình công nghiệp và chất thải tương ứng là 7,97% và 5,78%.

Sau 4 năm, tổng lượng phát thải khí nhà kính (năm 2014) tại Việt Nam là 321,5 triệu tấn CO2. Trong các lĩnh vực có phát thải khí nhà kính của năm 2014, tỷ lệ phát thải khí nhà kính ngành năng lượng (bao gồm hoạt động giao thông vận tải) lớn nhất chiếm 53,8%, tiếp theo là ngành nông nghiệp chiếm 27,92%, quá trình công nghiệp và tiêu thụ sản phẩm (IPPU) chiếm 12,01% và chất thải chiếm 6,69%. Dự báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổng lượng phát thải khí nhà kính sẽ lên đến 447,1 triệu tấn vào cuối năm 2020 và đạt tới 787,4 triệu tấn vào năm 2030 nếu như Việt Nam không có các biện pháp nỗ lực mạnh mẽ.

Do vậy, phát triển bền vững lấy tăng trưởng xanh làm chìa khóa then chốt đã trở thành yêu cầu cấp bách, được Đảng và Nhà nước định hướng đẩy mạnh nhằm đảm bảo sự phát triển kinh tế hiệu quả, xã hội công bằng và bảo vệ, giữ gìn môi trường. Tăng trưởng xanh chính là cách thức phát triển phù hợp với yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế trong các giai đoạn sau này của Việt Nam và theo xu hướng tăng trưởng của thế giới. Điều này cũng phù hợp với quan điểm và định hướng phát triển của Đảng cũng như quan điểm, mục tiêu và định hướng của Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011- 2020.

Được triển khai từ năm 2012 khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh với mục tiêu chung đặt ra là tăng trưởng xanh, tiến tới nền kinh tế các-bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững; giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững, góp phần quan trọng đẩy lùi những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng nhấn mạnh tăng trưởng xanh phải đặt con người làm trung tâm, góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; tăng cường đầu tư vào bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện nâng cao chất lượng môi trường, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt trong xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tăng trưởng xanh phải dựa trên cơ sở khoa học và công nghiệp hiện đại, phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Để làm được điều đó cần có sự tham gia tích cực của toàn Đảng, toàn dân, các cấp chính quyền, các Bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp và tổ chức xã hội.

Hằng Nga