Hôm 01/12/2024, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng khóa XII (Nghị quyết 18); tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế.

Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp, kết hợp trực tuyến tới các điểm cầu của các cơ quan Trung ương; các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương và tổ chức trực tuyến đến các điểm cầu cấp xã…

Tại điểm cầu tỉnh Hoà Bình, có Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phi Long, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Đức Hinh, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh và các lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, UB MTTQ tỉnh;  lãnh đạo các ban, sở, ngành của tỉnh...

Dự kiến năm 2024, 19/19 chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra

Năm 2024, Đảng bộ tỉnh Hoà Bình triển khai nhiệm vụ chính trị trong bối cảnh thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường. Kinh tế thế giới có phục hồi nhưng tốc độ chậm và không bền vững; trong nước tình hình thiên tai, bão lũ, sạt lở gây hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội của tỉnh.

Quán triệt chỉ đạo của Trung ương, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, với quyết tâm chính trị cao, triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, thực hiện hiệu quả Nghị quyết về mục tiêu, nhiệm vụ.

W-hoabinh.png
Ảnh minh hoạ

Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được những kết quả tích cực; tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 9,74%; GRDP bình quân đầu người ước đạt 81 triệu đồng/người; hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; các hoạt động xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh được quan tâm thực hiện, có 410 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký khoảng 8.000 tỷ đồng; tỷ lệ xã về đích nông thôn mới ước đạt 66,7%; quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, nhất là văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình”, tỉnh có thêm 1 di tích khảo cổ cấp Quốc gia đặc biệt đó là di chỉ Hang Xóm Trại, Mái đá Làng Vành, huyện Lạc Sơn.

Văn hóa, giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ, lao động, việc làm được chú trọng; an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được quan tâm thực hiện, giải quyết việc làm cho trên 19 nghìn người, tỷ lệ hộ nghèo ước còn 6,9%, hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho gần 1.500 hộ; tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh tiếp tục ổn định, đời sống vật chất, tinh thần người dân được cải thiện; khối đại đoàn kết dân tộc được tăng cường; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng được bảo đảm.

Chú trọng đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh

Từ những kết quả đạt trong năm 2024, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thống nhất với mục tiêu tổng quát năm 2025 là "Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội và trách nhiệm của người đứng đầu. Làm tốt công tác chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2025 - 2030, hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.

Đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và tiếp tục thực hiện hiệu quả các đột phá chiến lược, cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế tỉnh; đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Phấn đấu thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, các đề án, nghị quyết chuyên đề của cấp ủy tỉnh, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2021 - 2025".

Tiếp tục cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng

Với khát vọng trở thành tỉnh phát triển khá vùng trung du và miền núi phía Bắc, tiến tới hoàn thành ở mức cao 19 chỉ tiêu chính của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, tỉnh Hoà Bình xác định tập trung 10 nhiệm vụ sau:

Đẩy mạnh thực hiện 4 đột phá chiến lược, trọng tâm là tổ chức thực hiện Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo kế hoạch đã được phê duyệt. Tập trung cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính. Thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Phát triển nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động. Huy động các nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội; phát triển thương mại điện tử và kinh tế số, phục vụ chuyển đổi số; hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp.

W-minhhoa.png
Ảnh minh hoạ

Tiếp tục cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp; tập trung đào tạo phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, truyền thống gắn với các điểm du lịch và sản xuất hàng xuất khẩu. Phát triển dịch vụ, trọng tâm là phát triển du lịch; xây dựng các sản phẩm du lịch chất lượng cao, đặc thù, hấp dẫn để đáp ứng nhu cầu của du khách. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm: Dự án Khu đô thị sinh thái và Quần thể khu vui chơi giải trí cao cấp và hệ thống cáp treo Cuối Hạ, Dự án Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp Hồ Khả...

Tổ chức, điều hành dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025 linh hoạt, chủ động, chặt chẽ, đảm bảo đúng dự toán được giao. Triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch đầu tư công năm 2025. Quyết liệt thực hiện các giải pháp về đẩy mạnh giải ngân, gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công ngay từ đầu năm. Lồng ghép sử dụng hiệu quả vốn của 03 Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư.

Quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; tăng cường phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

Tiếp tục tăng cường các nguồn lực phát triển giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu đổi mới, trong đó ưu tiên đầu tư các trường phổ thông trọng điểm của tỉnh. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ở tất cả các cấp học, bậc học.

Quan tâm giải quyết việc làm, thực hiện tốt công tác giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội; mở rộng thị trường xuất khẩu lao động; đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình "Xóa nhà tạm, nhà dột nát"; quan tâm công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Tiếp tục vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ đột phá phát triển về văn hóa tại Quy hoạch tỉnh,tập trung thực hiện có hiệu quả Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình”.

Nâng cao chất lượng, năng lực khám bệnh, chữa bệnh cho Nhân dân; thực hiện tốt các giải pháp đảm bảo an ninh trong lĩnh vực y tế.

Quan tâm phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, thông tin và truyền thông, báo chí phát thanh truyền hình và các hoạt động chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; đấu tranh chống lại các thông tin xuyên tạc, sai sự thật; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, bảo vệ bí mật của Đảng và Nhà nước. Tổ chức thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc; tăng cường, công tác quản lý Nhà về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.

Thanh Sơn