Những năm gần đây, Chương trình phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình được đẩy mạnh. Nhiều sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa sinh thái nông nghiệp độc đáo, chất lượng đã được khai thác bài bản, có định hướng.
Toàn tỉnh hiện có trên 20 xóm, bản du lịch cộng đồng của các dân tộc Mường, Thái, Dao, Mông với gần 200 homestay kinh doanh lưu trú và các dịch vụ phục vụ du lịch khác đã thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm.
Đặc biệt, tỉnh có 3 loại hình du lịch nông thôn đang phát triển là du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái. Trong đó, du lịch cộng đồng được quan tâm đầu tư, hoạt động hiệu quả, phát triển tương đối nhanh như các mô hình du lịch cộng đồng hoạt động theo hợp tác xã tại bản Lác, bản Hang Kia (Mai Châu); du lịch cộng đồng theo chi hội du lịch cộng đồng tại các xóm Mu, Khướng, Mòn, Sát Thượng (Lạc Sơn); du lịch cộng đồng theo công ty cổ phần tại các xóm Ké, Đức Phong, Sưng (Đà Bắc).
Theo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hoà Bình, bên cạnh các loại hình du lịch nông thôn, trên địa bàn tỉnh còn có các trang trại, khu sản xuất nông nghiệp cung cấp sản phẩm phục vụ du khách. Tiêu biểu như rau hữu cơ ở Tân Lạc, cam Cao Phong, gà Lạc Thủy, khu nuôi cá lồng trên hồ Hòa Bình. Tại các địa phương đã hình thành một số mô hình trang trại phục vụ nghỉ dưỡng và trải nghiệm.
Năm 2024, các địa phương tập trung hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP du lịch nông thôn đạt điểm du lịch OCOP từ 3 sao trở lên. Bên cạnh đó, xây dựng quà lưu niệm, đồ trang trí thổ cẩm của Hợp tác xã Hoa Ban, xóm Lác, xã Chiềng Châu (Mai Châu); xây dựng và số hóa thông tin, tài liệu thuyết minh các di tích văn hóa, lịch sử tỉnh Hòa Bình gắn với du lịch nông thôn tại các huyện Cao Phong, Tân Lạc.
Du lịch nông thôn đưa xây dựng nông thôn mới vào chiều sâu và chất lượng; tạo ra việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn; thúc đẩy tiêu thụ nông sản, đặc biệt là sản phẩm OCOP. Đồng thời, nâng cao năng lực, trình độ, ý thức của người dân nông thôn; bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống…
Thời gian tới, để tạo sự gắn kết giữa du lịch, nông nghiệp, nông thôn, hướng tới hình thành chuỗi giá trị sản phẩm mang tính cạnh tranh cao, có thương hiệu, nâng cao đời sống người dân, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh phối hợp nâng cao trách nhiệm trong quản lý Nhà nước; có chính sách khuyến khích phát triển phù hợp. Đồng thời, thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển du lịch cộng đồng, quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng ngày càng tiên tiến, hiện đại.