Đây là nội dung được trao đổi, thảo luận tại hội thảo “Giải pháp quản trị tài chính và đầu tư nhằm nâng cao vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong phát triển kinh tế”, do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 31/3.
Theo các chuyên gia tại hội thảo, thực trạng một số DNNN quy mô lớn hoạt động trong các lĩnh vực quan trọng, then chốt của nền kinh tế nhưng vẫn chưa thực sự phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân.
Tạo hành lang pháp lý để doanh nghiệp nhà nước thực hiện đổi mới sáng tạo |
Trước hết, theo ông Nguyễn Đức Trung, hiệu quả hoạt động của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, năng lực cạnh tranh, đặc biệt cạnh tranh quốc tế còn hạn chế, xuất phát từ việc DNNN chưa phát huy hết tính chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN và các văn bản hướng dẫn thực hiện đã quy định chi tiết về quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với DNNN.
Tuy nhiên trên thực tế, các quy trình, thủ tục của cơ quan đại diện chủ sở hữu thường có độ trễ nhất định, trong khi hoạt động sản xuất kinh doanh của DN đòi hỏi phải đưa ra những quyết định nhanh, kịp thời để đón cơ hội đầu tư. Đồng thời, một số cơ chế, chính sách (như các văn bản quy định về tiền lương, quỹ khoa học công nghệ của DNNN…) chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động của DN… Chính điều này đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động và vai trò của DNNN.
Hai là, hiện nay một số cơ quan đang được giao quản lý DNNN (như Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN và bộ quản lý ngành), tuy nhiên, chưa có một văn bản nào quy định rõ một cơ quan có nhiệm vụ quản lý chung đối với hệ thống DNNN.
Ba là, một số DNNN được giao một khối lượng tài sản rất lớn để kinh doanh, nhưng hệ thống quản lý, giám sát không theo kịp với yêu cầu thực tiễn, thiếu hiệu lực và kém hiệu quả, dẫn tới không ngăn ngừa và cảnh báo được các nguy cơ làm DN bị thua lỗ, mất vốn nhà nước. Bên cạnh đó, chưa chú trọng đến trách nhiệm giải trình của người đứng đầu đối với tiến trình sắp xếp, đổi mới và kết quả hoạt động của DNNN.
Đặc biệt, theo ông Nguyễn Quang Tuấn – Ban Nghiên cứu sản xuất, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), các DNNN vẫn bị cản trở tham gia vào đầu tư mạo hiểm, đổi mới sáng tạo. Mặc dù Đảng đã có chủ trương “có chính sách cho DNNN đầu tư phát triển công nghệ, đầu tư mạo hiểm và đầu tư vào đổi mới sáng tạo”, song chưa được thể chế hóa…
Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Quang Tuấn đưa khuyến nghị, trước hết, cần mở rộng quyền tự chủ cho DNNN, chuyển đổi chính sách từ quản lý đầu vào sang quản lý mục tiêu và quản lý dựa trên kết quả.
Cùng với đó, cần nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước, đẩy mạnh đổi mới tư duy trong việc xây dựng nhà nước kiến tạo, nhà nước phục vụ; hỗ trợ tốt hơn đối với DN trong công tác dự báo, định hướng cũng như có những cảnh báo tốt đối với DN.
Mặt khác, theo các chuyên gia, cần ban hành các chính sách hướng dẫn cụ thể để DNNN có thể tham gia vào đầu tư mạo hiểm, đầu tư vào đổi mới sáng tạo…; đồng thời, xây dựng và thực thi các chính sách cụ thể để phát triển các DN tiên phong, dẫn dắt về công nghệ bắt nhịp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và phát triển kinh tế số...
Văn Giáp