Bộ TT&TT tặng bằng khen cho 3 doanh nghiệp Việt tại Hàn Quốc

Ngày 2/8, tại Seoul - Hàn Quốc, dưới sự bảo trợ của Bộ TT&TT Việt Nam cùng sự hỗ trợ của Cơ quan Xúc tiến công nghiệp CNTT Hàn Quốc, Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam - VINASA và Hiệp hội Công nghiệp phần mềm Hàn Quốc - KOSA đã phối hợp tổ chức Diễn đàn số Việt Nam - Hàn Quốc lần thứ nhất tại Seoul, Hàn Quốc.

Diễn đàn có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng; ông Vũ Hồ, đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc; đại diện Bộ KH&CN Hàn Quốc, gần 20 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam và 150 đại biểu đến từ các hiệp hội, doanh nghiệp Hàn Quốc.

W-hop tac so Viet Han 102.jpg
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng (thứ 3 từ trái) trao bằng khen cho đại diện 3 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiên phong mở văn phòng, đầu tư kinh doanh tại Hàn Quốc. Ảnh: P.Anh

Sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, mối quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã nâng lên mức đối tác chiến lược toàn diện, đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Việt Nam.

Theo ông Vũ Hồ, đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc, nền kinh tế số đang là mục tiêu của các quốc gia, trong đó có cả Hàn Quốc và Việt Nam. Năm 2022, Hàn Quốc công bố chiến lược số với mục tiêu trở thành nước có thông lệ tốt nhất về đổi mới số và tiến tới là quốc gia dẫn đầu trong kỷ nguyên số. Việt Nam cũng đã sớm ban hành chiến lược chuyển đổi số quốc gia và được đánh giá là một nước phát triển mạnh kinh tế số cả về nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh.

“Cơ quan và doanh nghiệp 2 nước sẽ chia sẻ, hợp tác chặt chẽ để có những hướng giải pháp cho những thách thức mà mỗi quốc  gia phải đối mặt, cùng nhau đạt được mục tiêu của 2 quốc gia”, ông Vũ Hồ nhận định.

W-hop tac so Viet Han 5 1.jpg
Theo Chủ tịch VINASA Nguyễn Văn Khoa, Hàn Quốc là thị trường rất tiềm năng với doanh nghiệp CNTT Việt Nam. Ảnh: P.Anh

Chủ tịch VINASA Nguyễn Văn Khoa nhấn mạnh, Hàn Quốc là thị trường rất tiềm năng với doanh nghiệp CNTT Việt Nam. Tổng quy mô thị trường ‘IT outsourcing’ – Gia công CNTT của Hàn Quốc lên đến hơn 600 tỷ USD, và dự báo con số này sẽ đạt khoảng 800 tỷ USD vào năm 2028.

Đến nay, hơn 10 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã mở văn phòng, đầu tư kinh doanh tại Hàn Quốc, tiêu biểu là FPT, CMC, NTQ Solutions, OmiGroup… Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang hợp tác, cung cấp dịch vụ cho cả doanh nghiệp lớn cũng như những doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hàn Quốc. Đặc biệt, một số doanh nghiệp đã mang các giải pháp công nghệ số Make in Viet Nam sang cung cấp tại thị trường Hàn Quốc.

Ghi nhận và biểu dương tinh thần tiên phong đầu tư kinh doanh tại Hàn Quốc của FPT Korea, NTQ Solution Korea và CMC Korea, trong khuôn khổ Diễn đàn số Việt Nam - Hàn Quốc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã trao tặng bằng khen cho 3 doanh nghiệp này.

Thúc đẩy hợp tác phát triển nguồn nhân lực số

Với diễn đàn số Việt Nam - Hàn Quốc 2024, theo Ban tổ chức, mục đích là tạo cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam kết nối giao thương, chia sẻ nhu cầu và tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác quốc tế tại thị trường trọng điểm. Các hoạt động chính của diễn đàn gồm hội thảo, triển lãm, ký kết hợp tác song phương và kết nối hợp tác ‘1:1’ giữa doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam và đối tác quốc tế.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA và Ông Mr. Joh. Joon Hee, Chủ tịch KOSA cũng thống nhất rằng 2 bên mong muốn đưa diễn đàn số Việt Nam - Hàn Quốc trở thành không gian kết nối thường niên giữa các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT của Việt Nam và Hàn Quốc.

W-hop tac so Viet Han 1 2.jpg
Kết nối hợp tác ‘1:1’ giữa doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam và đối tác quốc tế là một hoạt động chính của diễn đàn số Việt Nam - Hàn Quốc 2024. Ảnh: P.Anh

Đáng chú ý, các diễn giả tham dự diễn đàn đều đặt kỳ vọng rất lớn vào khả năng hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với nhu cầu của thị trường Hàn Quốc, đồng thời triển khai những mô hình hợp tác để cùng nhau vừa đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao này hiệu quả.

Theo Cơ quan hợp tác CNTT Hàn Quốc, để bảo đảm năng lực số tốt nhất, trong 5 năm tới, Hàn Quốc cần 740.000 nhân sự CNTT. Với năng lực đào tạo hiện tại, Hàn Quốc sẽ thiếu khoảng 490.000 lao động. Chiến lược số Hàn Quốc đưa ra mục tiêu cụ thể trong việc đào tạo nguồn nhân lực như nuôi dưỡng 100.000 nhân tài an ninh mạng từ năm 2022 và thành lập mới 2.000 công ty dịch vụ phần mềm vào năm 2027.

Triển vọng hợp tác trong đào tạo, phát triển nhân lực số đã được thể hiện qua các thỏa thuận, ghi nhớ hợp tác được Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông - PTIT thuộc Bộ TT&TT ký kết với các đối tác Hàn Quốc, trong khuôn khổ diễn đàn. Cụ thể, bên cạnh thỏa thuận hợp tác với Đại học Seoul Cyber về chính thức triển khai chương trình liên kết đào tạo theo mô hình đại học số, PTIT cũng đã ký kết ghi nhớ hợp tác với Hiệp hội game Hàn Quốc trong lĩnh vực ICT và nghiên cứu, đào tạo ngành game.

dao tao game.jpg
Với bản ghi nhớ hợp tác mới ký kết với Hiệp hội game Hàn Quốc, PTIT và Hiệp hội này dự định sẽ phối hợp trong nghiên cứu, đào tạo ngành game. Ảnh minh họa: HB

Bên cạnh đó, tiềm năng hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc trong nhiều lĩnh vực khác cũng đã được cụ thể hóa qua những bản hợp đồng, biên bản ghi nhớ hợp tác khác cũng đã được ký ngay tại diễn đàn.

Cụ thể như: FPT IS và SK C&C sẽ hợp tác phát triển các giải pháp công nghệ và dịch vụ chuyển đổi xanh cho các khách hàng doanh nghiệp toàn cầu, tập trung chủ yếu vào Việt Nam, Hàn Quốc và ASEAN; NTQ Solution sẽ đồng hành cùng MarkAny nghiên cứu và phát triển bộ giải pháp bảo mật để giúp doanh nghiệp vận hành sản xuất an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về bảo mật thông tin thời đại số; Ominext và DeepNoid - doanh nghiệp hàng đầu về trí tuệ nhân tạo trong y tế tại Hàn Quốc thống nhất sẽ hợp tác xây dựng nền tảng giải pháp CNTT tích hợp cho các bệnh viện tại thị trường y tế Việt Nam.