Còn khó tiếp cận thị trường IT Hàn Quốc

Hàn Quốc là một thị trường rất tiềm năng đối với doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Một thống kê gần đây cho thấy, tổng quy mô thị trường IT outsourcing (gia công công nghệ thông tin) Hàn Quốc lên đến hơn 600 tỷ USD, tới năm 2028 dự kiến đạt khoảng 800 tỷ USD. Vậy mà hiện mới chỉ có khoảng chục doanh nghiệp IT Việt mở rộng hoạt động kinh doanh sang thị trường Hàn.

“Không phải các doanh nghiệp IT Việt không nỗ lực tiếp cận thị trường Hàn, mà thực ra cũng muốn tìm đến thị trường này lâu rồi. Thế nhưng, cách vận hành kinh tế Hàn Quốc có sự chi phối rất lớn của các Chaebol (đại tập đoàn gia đình) như LG, Samsung… Nếu muốn thâm nhập sâu vào thị trường Hàn thì thường phải thông qua Chaebol hoặc các đối tác lớn của Chaebol. Nhiều năm qua, chỉ những đối tác rất lớn mới hay được “chọn mặt gửi vàng” triển khai dự án IT tại Hàn Quốc. Ví dụ, Samsung giao không ít dự án cho IBM, Accenture, Infosys... 

Tín hiệu đáng mừng là những năm gần đây, Samsung, LG… bắt đầu đầu tư quy mô lớn, thành lập cả trung tâm sản xuất và trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) tại Việt Nam; bắt đầu tìm kiếm các đối tác phù hợp tại Việt Nam. Hy vọng sắp tới sẽ có thêm nhiều Chaebol khác hợp tác với các doanh nghiệp Việt”, ông An Ngọc Thao, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ IT Việt Nam (VINASA) nhận định.

Anh 3.jpg
Ông An Ngọc Thao, Phó Tổng Thư ký VINASA. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ông Thao thẳng thắn nhìn nhận, tiếp cận thị trường Hàn Quốc vẫn là việc tương đối khó đối với doanh nghiệp IT Việt.

Để lập văn phòng ở Hàn Quốc, quy định pháp luật ở “xứ sở kim chi” yêu cầu lúc đầu phải tuyển 5 người Hàn mới được 1 tuyển người nước ngoài, sau đó phải tuyển dụng 3 người Hàn mới được tuyển 1 người nước ngoài. 

“Có những đặc thù về chính sách mà mình cần phải giải quyết trước. Sẽ cần chiến lược bài bản từ các cấp, từ Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao đến các cơ quan ngoại giao kinh tế và các hiệp hội nhằm hỗ trợ doanh nghiệp IT Việt về xúc tiến thương mại, chính sách…

Hàn Quốc đang là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam. Chính phủ hai nước khá cởi mở trong câu chuyện hợp tác. Tiếp theo là câu chuyện của các cấp quản lý: Cần vạch ra những kế hoạch cụ thể để kéo doanh nghiệp 2 nước gần nhau hơn. Khi đó, “cánh cửa” thị trường Hàn sẽ rộng mở hơn với các doanh nghiệp IT Việt”, Phó Tổng Thư ký VINASA nêu quan điểm.

Doanh nghiệp IT Việt cần xác lập vị thế mới

Chương trình Diễn đàn số Việt Nam – Hàn Quốc (Vietnam Digital Forum) lần thứ nhất sẽ được VINASA phối hợp với một số đơn vị của Hàn Quốc như NIPA (Cục Xúc tiến công nghiệp IT quốc gia), KOSA (Hiệp hội Công nghiệp phần mềm Hàn Quốc) tổ chức tại “xứ sở kim chi” ngày 2/8, với sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, nhằm đẩy nhanh tiến trình “Hàn tiến” cho doanh nghiệp IT Việt.

“Vietnam Digital Forum lần thứ nhất tại Hàn Quốc cũng như chương trình Vietnam IT Day lần thứ 11 tại Nhật Bản ngày 6/8 tới không chỉ thuần túy hỗ trợ doanh nghiệp IT Việt tham gia sự kiện do đơn vị quốc tế tổ chức để kết nối giao thương tại nước ngoài, mà VINASA cùng các doanh nghiệp IT Việt tự tổ chức chương trình lớn tại thị trường quốc tế để kể những câu chuyện Việt Nam và quảng bá trực tiếp tiềm năng, năng lực của doanh nghiệp IT Việt. 

Với các chương trình xúc tiến thương mại truyền thống như tham gia triển lãm quốc tế, chúng ta không định vị được trước đối tượng khách hàng. Với các chương trình mời khách quốc tế đến Việt Nam, tuy định vị trước được khách hàng nhưng số lượng lại có hạn. Khi ta chủ động tổ chức chương trình quy mô lớn tại các thị trường trọng điểm thì sẽ vừa định vị được khách vừa định vị được quy mô, quảng bá rộng rãi hơn những điểm tốt nhất của ngành IT Việt ”, ông Thao nhấn mạnh.

Anh 1.jpg
Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa VINASA và KOSA vừa diễn ra hồi cuối tháng 5/2024 tại TP.HCM. Ảnh: VINASA

Năm đầu tiên tổ chức Vietnam Digital Forum tại Hàn Quốc, lãnh đạo VINASA kỳ vọng “sẽ là khởi đầu cho một sự đột phá, đẩy nhanh tốc độ phát triển tại thị trường Hàn của doanh nghiệp IT Việt chứ không túc tắc vừa đi vừa dò như bây giờ, sẽ sớm đạt doanh thu cao, tương xứng với tiềm năng thị trường”.

Phó Tổng Thư ký VINASA lưu ý: “Với thị trường Hàn, sắp tới, các doanh nghiệp IT Việt không tiếp cận theo kiểu người ta thuê làm việc gì mình nhận việc đấy nữa, mà nên xác lập vị thế khác: Doanh nghiệp Việt sẵn sàng làm đối tác chuyển đổi số cho các doanh nghiệp/đối tác Hàn, đồng hành với nhau từ khâu nghiên cứu, tư vấn, đến phát triển phần mềm, cung cấp nguồn nhân lực, testing (kiểm thử)…

Trước đây, doanh nghiệp IT Việt chủ yếu đi lên từ lập trình viên, thiếu đủ thứ: Tài chính, năng lực sản xuất, năng lực quản trị… Bây giờ trình độ quản trị, công nghệ đã khá trưởng thành. Khi các doanh nghiệp IT Việt định vị đúng vị thế thì sẽ có những cách thức làm việc mới, những giá trị mới, những đối tác mới”.

Được biết, VINASA đã và đang hợp tác với các đối tác Hàn Quốc để không chỉ đưa doanh nghiệp Việt Nam sang Hàn Quốc mà còn đưa cả doanh nghiệp Hàn Quốc tới Việt Nam.

“Các doanh nghiệp IT Hàn Quốc rất mạnh về giải pháp smart city (thành phố thông minh) hoặc các sản phẩm dành cho người dùng cuối như điện thoại, sản phẩm gia dụng thông minh…; đang trong Top đầu thế giới về hạ tầng, giải pháp dữ liệu. Họ cũng muốn tiếp cận thị trường Việt nhưng đang gặp khó trong việc cung cấp trực tiếp sản phẩm, giải pháp cho người dùng, doanh nghiệp Việt. Nếu hợp tác với các doanh nghiệp Việt thì câu chuyện sẽ khác. Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động để kết nối doanh nghiệp IT Việt – Hàn trong thời gian tới để các bên liên quan đều có lợi”, ông Thao cho hay.

Nỗ lực xây dựng thương hiệu quốc gia mạnh về phần mềm Việt

Trên hành trình hỗ trợ doanh nghiệp IT Việt chinh phục thị trường quốc tế, lãnh đạo VINASA nhận thấy, nhờ sự “vào cuộc” của các cơ quan quản lý như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao…, cùng các kênh ngoại giao kinh tế như đại sứ quán, thương vụ, đại diện khoa học công nghệ Việt Nam ở nước ngoài, cộng hưởng với quyết tâm cao của doanh nghiệp, mấy năm qua, chỉ cần nhắc tới Việt Nam, các doanh nghiệp/đối tác quốc tế đều đã biết đây là sự lựa chọn hàng đầu và quan trọng trong sự dịch chuyển của các “ông lớn” toàn cầu ở hầu hết các ngành. Việt Nam cũng đang được xếp hạng một trong những nước cung cấp dịch vụ IT vào Top đầu thế giới. 

Tuy vậy, vẫn có một điều mà Phó Tổng Thư ký VINASA luôn canh cánh trong lòng bấy lâu nay: Các ngành lúa, gạo, cà phê, du lịch có những chương trình quảng bá rất bài bản, dài hạn nhằm tạo dựng thương hiệu quốc gia về ngành. Thế nhưng với ngành IT nói chung, ngành phần mềm nói riêng, dù các cơ quan nhà nước cùng các doanh nghiệp, hiệp hội đã nỗ lực phát triển, nỗ lực mở rộng thị trường quốc tế, song tới giờ chúng ta vẫn chưa có thương hiệu quốc gia mạnh, chưa có những chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại bài bản, dài hạn, quy mô khu vực và thế giới.

Nhiều nước trong khu vực đã có triển lãm quốc tế rất lớn liên quan tới IT, chẳng hạn, Đài Loan (Trung Quốc) có Computex và Asia Smart City Summit, Thái Lan có Infocomm Asia... Việt Nam chưa có những sự kiện quy mô như thế.

Rất cần sự nỗ lực hơn nữa từ các cơ quan quản lý, các hiệp hội và doanh nghiệp: Cùng nhau xây dựng kế hoạch dài hơn để phát triển thương hiệu quốc gia cho ngành phần mềm và dịch vụ IT Việt Nam.

Theo ông Thao, VINASA và các doanh nghiệp đánh giá rất cao, sẵn sàng hưởng ứng sáng kiến, nỗ lực của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc đưa sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” ra thế giới. Sự “vào cuộc” của Bộ Thông tin và Truyền thông là vô cùng quan trọng và giúp định hướng trong việc nâng tầm thương hiệu quốc gia của ngành phần mềm Việt. Ngoài dịch vụ IT, các doanh nghiệp có thể mang sản phẩm, giải pháp công nghệ số “Make in Vietnam” giải các “bài toán” cho Việt Nam rồi mang đi giải các “bài toán” ở nước ngoài.

“Rất mong Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, các tỉnh thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, các cơ quan ngoại giao có thể xây dựng kế hoạch dài hạn đi cùng doanh nghiệp, hiệp hội, tận dụng được sức mạnh của tất cả các bên để tạo dựng vị thế mới cho ngành IT Việt Nam trên trường quốc tế”, ông Thao đề xuất.

Về phía các doanh nghiệp IT Việt, trước hiện trạng không ít doanh nghiệp muốn dừng ngay khi đạt mức “đủ sống”, ông Thao khuyến nghị: “Đang là thời điểm vàng để các doanh nghiệp công nghệ Việt tăng tốc mạnh mẽ. Khi kinh nghiệm, năng lực đã được tích lũy, nhu cầu thị trường rất lớn đã được mở ra, quyết tâm và sự ủng hộ của các cấp quản lý ở mức rất cao, các doanh nghiệp hãy mạnh dạn xây dựng cho mình khát vọng lớn hơn, dám nghĩ lớn, làm lớn, để Việt Nam có nhiều hơn nữa những doanh nghiệp IT có hàng nghìn, hàng chục nghìn người, trở thành đối tác lớn của các “cá voi”, tập đoàn toàn cầu, để dấu ấn trí tuệ Việt ngày càng đậm nét hơn trên bản đồ công nghệ thế giới”.

Mỗi năm, VINASA tổ chức khoảng 20 đoàn đi nước ngoài, đưa doanh nghiệp IT Việt tham gia các triển lãm lớn như Japan IT Week ở Nhật Bản, Computex và Smart City ở Đài Loan (Trung Quốc), Secon ở Hàn Quốc, India Soft ở Ấn Độ…, cùng rất nhiều chương trình xúc tiến thương mại, kết nối kinh doanh với doanh nghiệp/đối tác quốc tế.

VINASA mong muốn đem mô hình Vietnam Digital Forum tại Hàn Quốc và Vietnam IT Day tại Nhật Bản sang triển khai tại nhiều quốc gia khác như Mỹ, châu Âu, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore… để quảng bá rộng rãi hơn nữa tiềm năng cũng như sự sẵn sàng đồng hành chuyển đổi số của doanh nghiệp IT Việt ra thế giới.