Nam Định là một trong ba tỉnh đầu tiên trên toàn quốc được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh giai đoạn 2023-2025. Từ ngày 1/9/2024, các đơn vị hành chính mới hình thành sau sắp xếp đi vào hoạt động, đảm bảo duy trì hoạt động liên tục, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy trong hệ thống chính trị, đảm bảo ổn định đời sống của nhân dân trên địa bàn.

Theo Đề án, Nam Định có 2 đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện sắp xếp là huyện Mỹ Lộc và thành phố Nam Định; có 77 đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp gồm 55 xã, 17 phường, 5 thị trấn. Sau sắp xếp, tỉnh Nam Định còn 9 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 8 huyện và thành phố Nam Định); có 175 đơn vị hành chính cấp xã gồm 146 xã, 14 phường, 15 thị trấn; qua đó giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện, 51 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 42 xã, 8 phường, 1 thị trấn).

W-Nam Định.png
Huyện Mỹ Lộc được sáp nhập với thành phố Nam Định từ 1/9/2024

Ngau sau khi có Nghị quyết của Trung ương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nam Định đã kịp thời chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng bộ tài liệu tuyên truyền nội dung sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh.

Quá trình thực hiện Đề án, tỉnh Nam Định luôn quan tâm đến phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức; phương án sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; phương án xử lý trụ sở, tài sản công ở cấp huyện, cấp xã và những vấn đề khác liên quan.

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các cấp và việc khẩn trương triển khai tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành, trong vòng 3 tháng (từ tháng 5 đến tháng 8/2023) tất cả UBND các huyện, thành phố đã hoàn thành phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đảm bảo thời gian theo kế hoạch và đã được Hội đồng nhân dân các cấp thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã với tỷ lệ đại biểu tán thành 100%.

Việc xử lý trụ sở, tài sản công sau khi sắp xếp, tỉnh Nam Định đã lên phương án với thành phố Nam Định sau khi mở rộng. Trụ sở tổ chức Đảng, UBND và HĐND, tổ chức chính trị - xã hội của thành phố sau mở rộng dự kiến đặt tại các trụ sở hiện đang sử dụng; trụ sở các đơn vị sự nghiệp dự kiến giữ nguyên cơ sở hạ tầng hiện đang sử dụng để không ảnh hưởng đến việc dạy và học của giáo viên và học sinh; việc chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho nhân dân… Đối với trụ sở, tài sản công không tiếp tục sử dụng sẽ thực hiện việc kiểm kê, đánh giá lại và thực hiện sắp xếp lại, xử lý theo quy định hiện hành.

Trụ sở tại các đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp thực hiện theo nguyên tắc 1 trụ sở cho Đảng ủy, HĐND và UBND cấp xã mới; 1 trụ sở cho Công an cấp xã mới; 1 trụ sở cho Trung tâm Văn hóa Thể thao cấp xã mới; trụ sở của các đơn vị sự nghiệp công lập (giáo dục và y tế) trên địa bàn cấp xã giữ nguyên như hiện trạng đang sử dụng; trụ sở, tài sản công không tiếp tục sử dụng sẽ thực hiện việc kiểm kê, đánh giá lại và thực hiện sắp xếp lại, xử lý theo quy định hiện hành.

Tại Hội nghị đánh giá công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc biểu dương và đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, các địa phương với tinh thần quyết tâm, quyết liệt, quyết làm của cả hệ thống chính trị và và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân; thực hiện nghiêm túc, sáng tạo chỉ thị, nghị quyết của Trung ương về sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023–2025, góp phần tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, đồng thời mở ra không gian mới, tạo động lực phát triển mới cho tỉnh, để Nam Định sớm trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước.

Bí thư Tỉnh ủy Nam Định đề nghị, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh đối với chủ trương của Đảng, Nhà nước về sắp xếp đơn vị hành chính để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn tiếp theo. Các cấp, các ngành tiếp tục xem xét, giải quyết tốt chế độ chính sách cho cán bộ dôi dư; quản lý an toàn tài liệu; sử dụng hợp lý, hiệu quả cơ sở vật chất sau sáp nhập; quan tâm làm tốt công tác cán bộ cho đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031. Đặc biệt, các đơn vị, địa phương cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các địa phương mới sáp nhập, phục vụ tốt hơn việc quản lý Nhà nước, quản lý xã hội.