Mới đây, Tổng cục Thống kê đã công bố những vấn đề cơ bản về tình hình kinh tế – xã hội của Việt Nam trong quý II và 6 tháng năm 2021. Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2021 ước tính tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 0,39% của quý II/2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 6,73% của quý II các năm 2018 và 2019.

Dịch Covid-19 bùng phát tại một số địa phương trên cả nước từ cuối tháng Tư với những diễn biến phức tạp, khó lường đã đặt ra nhiều thách thức, rủi ro cho nước ta trong việc thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế”.

Chính phủ đang “chắc tay” điều hành công việc

Tính chung, GDP 2 quý đầu năm thấp hơn mục tiêu đặt ra, theo PGS.TS Trần Đình Thiên, thời buổi bất bình thường thì không thể đo các loại thành tích, nhất là tăng trưởng kinh tế, theo logic thông thường, bởi như thế không chuẩn được. Cần đánh giá tình hình theo thực tế khách quan để thấy rằng mức tăng trưởng 5,64%, tuy chưa đạt mục tiêu, nhưng trong hoàn cảnh khó khăn và bất thường mà đất nước đang lâm vào, là một thành tích đáng ghi nhận.

{keywords}
Phát triển kinh tế và chống dịch có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.

Đánh giá theo xu hướng và xét trong tổng thể, khi quý 2 - dù tình hình rất khó khăn, kinh tế vẫn đạt mức tăng trưởng 6,61%, cao hơn quý 1 và cao hơn so cùng kỳ năm 2020, chúng ta sẽ thấy rõ hơn thực chất vấn đề: nền kinh tế đang nỗ lực và “trụ hạng” tốt. 

Ở khía cạnh mở cửa - hội nhập, tăng trưởng xuất nhập khẩu cũng rất tích cực. Kinh tế thế giới “đứt chuỗi” mà ta đạt được thành tích ngoại thương như vậy quả thật là rất có ý nghĩa. Chính phủ đang “chắc tay” điều hành công việc, củng cố niềm tin xã hội.

Cứng nhắc quá không chỉ bất an mà còn gia tăng chi phí

Trong thời gian gần đây, việc áp dụng các chính sách giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh thành trên cả nước đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là trong khâu tổ chức sản xuất, lưu thông hàng hoá.

Trên diễn dàn Quốc hội, Bà Nguyễn Thị Thủy (Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn) phản ánh, có địa phương không cho xe chở nông sản đi qua, mặc dù có giấy xác nhận an toàn dịch. Nhiều doanh nghiệp phản ánh là xe hàng được thông chốt kiểm soát dịch qua nhiều tỉnh nhưng đến tỉnh cuối cùng cần giao hàng thì xe lại phải quay đầu ra vì mỗi tỉnh mỗi quy định.

Soi chiếu vào thực tế tại nhiều nơi, những câu chuyện về ách tắc hàng hóa chỉ là một phần của bức tranh chống dịch trong thời gian vừa qua. 

Cả nước như một cơ thể sống, quan hệ tuần hoàn chặt chẽ nên không vì những chỗ bị bệnh mà cắt rời tất cả. Làm sao để cách ly mà không tách rời, không làm đứt gãy nền kinh tế?

Đứng trước câu hỏi này, theo ông Trần Đình Thiên, thời gian tới đây, có mấy điểm cần lưu ý thêm:

Một là tạo không gian thông thoáng hơn cho hoạt động kinh tế. Cứng nhắc quá gây tâm lý hoảng sợ trong xã hội, làm các doanh nghiệp và người dân sẽ phải chịu thêm nhiều chi phí không đáng có và không nên có. 

Thứ hai, nguyên tắc “chịu trách nhiệm cá nhân” của lãnh đạo, trong tình hình dịch bệnh, cần được triển khai với tinh thần tích cực, được hiểu theo nghĩa không vì thành tích riêng của địa phương, đơn vị mình mà gây tổn hại đến sự vận hành chung của nền kinh tế. 

Tình trạng giao thông tắc nghẽn, xe chở hàng hóa đến cảng bị dồn ứ kéo dài nhiều km mấy ngày qua tại các nút giao giữa các địa phương là kết quả của cách hành xử không hài hòa chung - riêng, mang tính cát cứ địa phương.

Trung ương nên tăng cường lực lượng hỗ trợ cho các tỉnh giải tỏa nhanh các điểm nút (phải được coi là những điểm nút lưu thông quốc gia chứ không phải của riêng địa phương nào) để vừa giúp địa phương bảo đảm sự an toàn dịch bệnh, vừa thông luồng hàng hóa liên tỉnh. 

Rõ ràng là cần bỏ ngay “bệnh thành tích” trong thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về vấn đề chịu trách nhiệm cá nhân, làm sai tinh thần chỉ đạo. Chúng ta hiểu trách nhiệm là của từng địa phương, từng cá nhân lãnh đạo cụ thể. Nhưng điều đó không có nghĩa là đóng đinh trách nhiệm chỉ vào thành tích riêng của địa phương, vào sự an toàn của địa phương mà quên rằng nền kinh tế cần sự phối hợp và chung sức thì mới an toàn được.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Trung Kiên