Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được Bộ Chính trị phát động từ năm 2009. Qua 15 năm triển khai thực hiện, cuộc vận động luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Thanh Hóa và sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp Nhân dân. Nhờ vậy, người dân đã có sự chuyển biến rõ rệt trong hành động, thói quen ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng Việt, tự hào hàng Việt.
Cuộc vận động không chỉ giúp khẳng định năng lực sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp trong tỉnh mà còn tác động tích cực đến toàn xã hội, giúp thay đổi thói quen tiêu dùng, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và cả nước nói riêng.
Đặc biệt là nỗ lực của ngành Công thương trong đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng dù là khu vực đô thị, hay nông thôn, miền núi.
Một nét nổi bật trong giai đoạn hiện nay là Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thực hiện Cuộc vận động gắn liền với việc xây dựng, phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường đối với các sản phẩm đặc trưng của tỉnh như: sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, đặc sản địa phương…
Theo báo cáo của Sở Công thương tỉnh, sau 15 năm triển khai Cuộc vận động, phần lớn người tiêu dùng trong tỉnh đã nhận thức khá đầy đủ, sâu sắc về nội dung, ý nghĩa của Cuộc vận động, nhận thức đúng về khả năng sản xuất của các doanh nghiệp trong nước và chất lượng sản phẩm, hàng hóa Việt.
Đến nay, đa số người tiêu dùng trong tỉnh đã thay đổi hành vi, thói quen mua sắm – ưu tiên lựa chọn hàng Việt; hàng hoá thương hiệu Việt đã được đa số người tiêu dùng tin tưởng và ưu tiên lựa chọn. Tuy chưa được tổ chức điều tra, khảo sát một cách bài bản, nhưng theo nhận định, đánh giá của các sở, ban, ngành và các địa phương thì có khoảng gần 90% người tiêu dùng Thanh Hóa ưu tiên lựa chọn hàng hóa sản xuất trong nước khi mua sắm, tiêu dùng (tăng gần 20% so với năm 2009).
Đặc biệt, sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án, với sự tham gia, vào cuộc đồng bộ, tích cực của các cơ quan ban, ngành, các cấp và sự tin tưởng, đồng thuận của người dân, đến nay, thị phần hàng Việt Nam tại các kênh phân phối hiện đại trên địa bàn tỉnh (27 siêu thị, trung tâm thương mại; hơn 500 cửa hàng tiện lợi; kênh thương mại điện tử…) và các kênh phân phối truyền thống (386 chợ, cửa hàng tạp hóa…) trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ trên 80% hàng Việt Nam; tỷ lệ người tiêu dùng và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh biết đến Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam” đạt gần 90%; trên 85% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh biết đến phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” và trên 70% doanh nghiệp tham gia phong trào này.
Ông Võ Minh Khoa, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thanh Hóa cho biết, thời gian tới Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, cơ quan chính quyền nhà nước các cấp, tạo cơ chế, chính sách để thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Phát triển và nâng cao trách nhiệm của người sản xuất kinh doanh dịch vụ nhằm đưa ra thị trường những sản phẩm Việt có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý.
Các doanh nghiệp đã nhận thức đầy đủ và luôn hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tiết kiệm chi phí nhằm hạ giá thành sản phẩm. Nhờ đó, hàng hóa sản xuất tại địa bàn ngày càng đáp ứng tốt hơn về chất lượng, giá cả và mẫu mã, phù hợp với thị hiếu của phần lớn người tiêu dùng. Điều này đã tạo niềm tin và thúc đẩy xu hướng sử dụng hàng Việt trong cộng đồng, giúp phát triển sản xuất và kinh doanh trong tỉnh, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đóng góp vào việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thành Nam