Cụ thể, đến nay, BHXH Việt Nam đã cập nhật toàn bộ dữ liệu của trên 16 triệu NLĐ tham gia BHXH, BH thất nghiệp; 88 triệu người tham gia BHYT trên hệ thống dữ liệu chung của Ngành, tạo điều kiện cho toàn bộ các quy trình nghiệp vụ giải quyết chế độ đều được thực hiện trên phần mềm nghiệp vụ.

BHXH Việt Nam cũng đã xây dựng 141 tiêu chí nhận diện hành vi vi phạm, sai sót trong các lĩnh vực nghiệp vụ, qua đó kiểm soát chặt chẽ được quy trình giải quyết các chế độ, nhất là chế độ ốm đau, thai sản, TNLĐ-BNN và trợ cấp thất nghiệp…

{keywords}
 Rà soát danh sách NLĐ nhận hỗ trợ từ quỹ BH thất nghiệp từ CSDL của ngành

BHXH Việt Nam cũng đã triển khai sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID thay thế thẻ BHYT giấy khi đi KCB, giúp giảm thời gian chờ đợi và thuận tiện cho người bệnh.

Trong công tác BHYT, việc thực hiện giám định điện tử đã giúp xác minh tình trạng lạm dụng quỹ, từ đó giúp ngành kiên quyết từ chối thanh toán những chi phí KCB không đúng quy định; góp phần giảm chi từ quỹ BHYT hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Năm 2020 và 11 tháng năm 2021, toàn ngành đã chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH kịp thời, an toàn cho khoảng 3,3 triệu người; chi trợ cấp thất nghiệp cho gần 1,9 triệu người; trên 18,42 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, DS-PHSK và BHXH một lần; trên 284,3 triệu lượt người KCB BHYT. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh phương thức chi trả không dùng tiền mặt. Đến hết tháng 11/2021, cả nước có khoảng 57% số người nhận các chế độ qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị, vượt 7% chỉ tiêu Chính phủ giao năm 2021 tại Nghị quyết 02/NQ-CP.

Công tác cải cách TTHC đã đạt những kết quả tích cực, tạo thuận lợi tối đa cho DN, người dân. Các TTHC thường xuyên được rà soát, cắt giảm về số lượng, đơn giản hóa thành phần, biểu mẫu, hồ sơ. Bộ TTHC của ngành được cắt giảm từ 114 thủ tục năm 2015, đến năm 2020 giảm còn 27 thủ tục và đến nay chỉ còn 25 thủ tục; tập trung cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, DN; đa dạng, linh hoạt các phương thức tiếp nhận, trả kết quả TTHC.

Đặc biệt, đến thời điểm hiện tại, 100% TTHC của ngành đã được cung cấp trực tuyến mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công của Ngành; tích hợp, liên thông với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Do đó, DN, người dân và NLĐ có thể giao dịch với cơ quan BHXH 24/24h.

Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Nghị quyết 116/NQ-CP, BHXH Việt Nam đã kịp thời cung cấp thêm 8 dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công của Ngành; kết nối, tích hợp, cung cấp 7 dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia để tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ NLĐ và chủ SDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Thúy Ngà