Xây dựng thói quen… không tiền mặt
Chị Trần Thị Duyên, nhân viên ngân hàng BIDV sống tại Khu đô thị Đặng Xá, Gia Lâm cho biết: Là một nhân viên ngân hàng, lại có thói quen thanh toán QR code nên chị không có thói quen mang tiền mặt theo người. Đi café, siêu thị hay vui chơi cùng các con, chị Duyên luôn thanh toán chuyển khoản qua chiếc điện thoại – một thói quen của chị từ vài năm gần đây.
“Vốn dĩ phụ nữ nói chung, chị em thường hay “thủ” chút tiền mặt trong ví, nhưng mình thì lại không có thói quen đó, nên đi trước kia khi mua thực phẩm mình thường vào siêu thị để thanh toán cho tiện. Thật bất ngờ khi ra các chợ dân sinh ở Gia Lâm giờ đây, việc thanh toán đã đều có thể chuyển khoản nên rất thuận tiện cho những người “lười” mang tiền mặt như mình”, chị Duyên chia sẻ.
Là một tiểu thương ở chợ Trâu Quỳ, cô Đỗ Thị Miên bán hàng tạp hóa cho biết: "Cái gì cũng phải học chú ạ, ngay cả việc học cách sử dụng điện thoại thông minh và sử dụng các ứng dụng ngân hàng khi thanh toán tiền cho khách". Với những người trình độ công nghệ được coi là “i tờ” như cô Miên trước kia, giờ đây những tiểu thương ở đây đều đã dễ dàng giao dịch với khách mua hàng qua các ứng dụng ngân hàng thay vì phải nhận hay móc ví trả tiền thừa mất thời gian và không vệ sinh như trước.
“Tiện lợi, không mất thời gian đi đổi tiền lẻ hay “kì kèo” chuyện làm tròn giá tiền. Mua bao nhiêu thanh toán bấy nhiêu, khi tiền vào tài khoản là máy điện thoại báo biến động số dư bằng giọng nói số tiền hàng khách chuyển. Khỏi cần hỏi đã quét được chưa, không cần tranh cãi mua 10 đồng chuyển 9 đồng như trước. Rất văn minh chú ạ!”, cô Miên chia sẻ với phóng viên VietNamNet.
Vì một tương lai không tiền mặt
Thực tế, thanh toán không tiền mặt trong lộ trình chuyển đổi số nói chung, phát triển kinh tế số nói riêng đang dần “gõ cửa” mọi nhà, mọi người. Không ai có thể đứng ngoài cuộc tiến trình chuyển đổi số này và thanh toán không tiền mặt cũng chỉ là một trong những chủ trương của Đảng và Nhà nước được người dân và doanh nghiệp hưởng ứng tham gia hiện nay.
Nếu tính đến cuối năm 2023, có khoảng 11 tỷ giao dịch không dùng tiền mặt, giá trị giao dịch đạt hơn 200 triệu tỷ đồng. Riêng giao dịch trên Internet đạt 2 tỷ giao dịch với giá trị trên 52 triệu tỷ đồng; kênh mobile đạt trên 7 tỷ giao dịch với giá trị trên 50 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, số giao dịch không dùng tiền mặt đang tăng trưởng theo cấp số nhân và giá trị giao dịch đang tăng rất nhanh trong năm 2024 này.
Cụ thể, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, thanh toán không dùng tiền mặt (tính đến tháng 6/2024) đã gấp 23 lần quy mô GDP, ước tính khoảng 250 triệu tỷ đồng. Và dự kiến đến cuối năm 2024 này, giá trị giao dịch sẽ đạt gần 320 triệu tỷ đồng – một con số rất ấn tượng trong bối cảnh thanh toán không dùng tiền mặt đã trở thành thói quen của người dân, không chỉ cư dân các đô thị.
Rất nhiều mô hình chợ không tiền mặt, tuyến phố không tiền mặt, trụ sở không tiền mặt… xuất hiện ở nhiều địa phương cho thấy, khi các giao dịch thanh toán được tự động và tiền mặt dần được thay thế như hiện nay đã góp phần không nhỏ thúc đẩy nền kinh tế số Việt Nam tăng trưởng ấn tượng top đầu ASEAN.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), ngay trong năm 2024 này nhiều chỉ tiêu trong chuyển đổi số của ngành ngân hàng tiệm cận hoặc vượt mục tiêu đặt ra đến năm 2025. Với quy mô GDP Việt Nam năm 2023 khoảng 430 tỷ USD, ước tính thanh toán không dùng tiền mặt đã đạt khoảng 9.890 tỷ USD (tương đương 250 triệu tỷ đồng).
Nếu cuối năm 2023, ngành ngân hàng chỉ dám đề ra mục tiêu thúc đẩy toàn diện hoạt động thanh toán không tiền mặt ở tất cả các cấp, các địa phương và theo đề án phát triển đến năm 2025, giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP. Tuy nhiên, chỉ với nửa đầu năm 2024 chỉ số này đã đạt và dự báo cuối năm này con số tăng trưởng sẽ cực kỳ ấn tượng với những chỉ số bùng nổ.
Trước đó trong các khảo sát của Tổ chức thanh toán quốc tế VISA cho thấy, người Việt hiện nay ít giữ tiền trong ví hơn trước đây. Cụ thể, thời gian trung bình người Việt không tiêu tiền mặt là 11 ngày liên tiếp trong tháng, tăng gần 4 lần so với 2022. Có tới 56% người Việt được hỏi cho biết, họ ít mang tiền mặt hơn so với 2022; và có tới 30% thường xuyên không mang tiền mặt trong người – số này đa phần là các bạn trẻ dưới 30 tuổi.
Cũng một chỉ số khác đáng lưu ý đã phần nào phản ánh thói quen thanh toán không tiền mặt của người Việt là số máy ATM đang giảm dần, đa phần chỉ còn phục vụ mục đích giao dịch chuyển khoản (như giao dịch trong quầy ngân hàng). Cụ thể, trung bình mỗi tháng số máy ATM giảm khoảng 2% so với cùng kỳ 2023 (hiện toàn thị trường có khoảng 20.986 máy ATM). Những hiện tượng quá tải tại các cây ATM vào những dịp lễ, Tết như mấy năm trước đây đã không còn và đang trở thành… dĩ vãng!