Là một quốc gia ven biển có đường bờ biển dài trên 3260 km với hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam có nhiều lợi ích gắn liền với biển. Là thành viên Công ước Luật Biển 1982, Việt Nam được quyền có lãnh hải rộng 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý, thềm lục địa rộng ít nhất 200 hải lý. Diện tích các vùng biển và thềm lục địa mà tại đó Việt Nam được hưởng những quyền lợi đối với vùng biển và tài nguyên theo quy định của Công ước là khoảng gần 1 triệu km2, gấp ba lần diện tích lãnh thổ đất liền. 

Nhận thức rõ tầm quan trọng của biển, Việt Nam đã tích cực tham gia vào quá trình thương lượng xây dựng Công ước Luật Biển năm 1982 và có nhiều nỗ lực trong việc thực thi Công ước; luôn đề cao tôn chỉ và mục tiêu của Công ước, đồng thời có những hành động thiết thực đóng góp vào việc thực hiện Công ước.

W-Biendao.png

Hôm 6/6 vừa qua, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước thông tin tàu khảo sát Hải Dương 26 của hải quân Trung Quốc khảo sát trái phép trong vùng biển của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết, phía Việt Nam đã giao thiệp nhiều lần với phía Trung Quốc về vụ việc này.

Người Phát ngôn Phạm Thu Hằng nhấn mạnh: Việt Nam hết sức quan ngại, kiên quyết phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt hoạt động khảo sát trái phép của tàu khảo sát Hải Dương 26 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam được xác lập phù hợp với Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), không tái diễn các hoạt động trái phép tương tự; tôn trọng đầy đủ quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, tôn trọng luật pháp quốc tế, tuân thủ UNCLOS và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Thực hiện nghiêm túc nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về việc kiểm soát, giải quyết tốt hơn bất đồng trên biển, duy trì đà phát triển quan hệ song phương, đóng góp tích cực, trách nhiệm cho hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) là văn kiện chính trị đầu tiên mà ASEAN và Trung Quốc đạt được liên quan vấn đề Biển Đông và được coi là bước đột phá trong quan hệ hai bên.

Trên cơ sở đó, các bên tham gia cam kết tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác tại khu vực; đồng thời làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác ASEAN-Trung Quốc; nỗ lực thúc đẩy xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Từ khi DOC ra đời đến nay, tại các Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc, hai bên đều khẳng định quyết tâm thực hiện đầy đủ DOC, sớm đạt được COC hiệu lực, hiệu quả.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 44 tại Bali, Indonesia tháng 7/2011, ASEAN và Trung Quốc nhất trí thông qua Quy tắc hướng dẫn thực thi DOC. Quy tắc quy định tiến trình thực hiện các hoạt động và các dự án đã được thoả thuận trong DOC được báo cáo hằng năm cho Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc.

 Nhóm PV