Một trong những nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế biển của TP Cẩm Phả đó là quản lý và phát triển bền vững thủy sản trên biển. Song song với việc phát triển lĩnh vực khai thác thuỷ sản bền vững, TP cũng đẩy mạnh phát triển ngành nuôi trồng thuỷ sản trên biển gắn với bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản và bảo vệ môi trường biển.
Để phát triển ngành thuỷ sản theo hướng bền vững, TP Cẩm Phả đã quy hoạch và thiết lập Phương án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn 2045 gồm 21 khu vực nuôi biển thuộc 7 phường với tổng diện tích 2.476,1ha.
Trong đó, thành phố dành trên 1.433ha cho thu hút đầu tư ở các phường Cẩm Thạch, Cẩm Thủy, Cẩm Trung. Tổng diện tích nuôi phân tán là hơn 1.042ha nằm ở các phường Cẩm Thành, Cẩm Bình, Cẩm Đông, Cẩm Sơn.
Phương án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn 2045 của TP với mục tiêu chung là phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển TP Cẩm Phả trở thành một ngành sản xuất hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái; tạo ra sản phẩm có giá trị cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường tại địa phương, trong nước và xuất khẩu; phát triển hoạt động nuôi trồng thuỷ sản trên biển gắn kết với sự phát triển của các ngành kinh tế khác như du lịch, dịch vụ, khách sạn nhà hàng, khai thác hải sản….
Nhất là việc giải quyết một số các vấn đề xã hội như tạo việc làm cho người dân, cải thiện điều kiện kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập và tạo sinh kế bền vững cho người dân ven biển, đồng thời góp phần bảo vệ an ninh, quốc phòng trên biển.
Hiện thành phố Cẩm Phả đang có 396 hộ tham gia hoạt động nuôi biển. Để nghề nuôi biển phát triển bền vững, UBND TP đã công bố công khai phương án nuôi trồng thủy sản và bản đồ quy hoạch cho 396 hộ dân và 19 doanh nghiệp, hợp tác xã có nhu cầu nuôi biển.
Việc quy hoạch phát triển vùng nuôi trồng thủy sản trên biển của thành phố sẽ tạo được các vùng nuôi biển và đối tượng nuôi ổn định, trên cơ sở đó đề xuất phát triển những vùng nuôi biển xa bờ tiềm năng.
Hơn nữa, giá trị nuôi biển tăng lên sẽ tạo ra giá trị lợi nhuận cho người sản xuất tại các vùng ven biển và hải đảo, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho các phường, cho ngành nông nghiệp và các ngành kinh tế khác; thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành nuôi nói riêng và ngành nuôi trồng thuỷ sản nói chung, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững....
Về mặt sinh thái, phương án góp phần hạn chế tác động tiêu cực của hoạt động nuôi biển lên môi trường; giảm thiểu nhu cầu đối với khai thác tự nhiên; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, sinh thái cảnh quan khu vực biển Cẩm Phả.
TP Cẩm Phả cho biết, trong thời gian qua, các phòng, đơn vị chức năng của Thành phố đã tổ chức tập huấn tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học công nghệ về nuôi biển cho các hộ dân và các chương trình khuyến ngư.
Bên cạnh đó, tổ chức, sắp xếp lại các vùng nuôi, diện tích bè nuôi đảm bảo tính khoa học, hợp lý và phù hợp với điều kiện tự nhiên, phù hợp với nhu cầu của các hộ gia đình. Đồng thời đảm bảo yếu tố môi trường, phòng tránh dịch bệnh, an toàn giao thông trong nội vùng, nâng cao năng suất và chất lượng hải sản nuôi.
Đến nay, cơ bản việc giao và cho thuê đối với các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đúng diện tích, mục đích, đảm bảo các quy hoạch, định hướng chung.
Thực hiện Chỉ thị số 13 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh về tăng cường quản lý và phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản trên biển, theo báo cáo của UBND TP, tổng diện tích giao đất nuôi trồng thủy sản theo kết quả rà soát của UBND các phường, xã là 1.123,18 ha. Đến hết ngày 31/3/2023, TP Cẩm Phả đã hoàn thành việc tháo dỡ, di dời 175 hộ vi phạm nuôi ngoài vùng quy hoạch; đã tháo dỡ tiêu hủy 42.667/82.275 quả phao xốp; chuyển đổi được 39.418 quả phao hợp quy đạt 99,5%. Đến hết ngày 5/4/2024, đã chuyển đổi được 39.418 quả phao xốp sang phao hợp quy, đạt 99,5%.
Theo ông Nguyễn Anh Tú, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Cẩm Phả, việc triển khai quy hoạch về phương án nuôi biển đều phải căn cứ vào quy hoạch và mục tiêu phát triển kinh tế biển bền vững của Thành phố; việc giao nuôi ưu tiên áp dụng khoa học công nghệ theo chuỗi sản phẩm khép kín.
Có thể nói, việc phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển trong thời gian qua đã góp phần thay đổi cơ cấu ngành nông nghiệp của thành phố; giải quyết việc làm, cải thiện đời sống của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh vùng ven biển của tỉnh Quảng Ninh nói chung, của TP Cẩm Phả nói riêng.
Được biết, năm 2023, tổng sản lượng thủy sản của TP đạt 23.005 tấn, tăng 12% so với cùng kỳ; trong đó, sản lượng khai thác đạt 6.747 tấn; sản lượng nuôi trồng đạt 16.258 tấn, trong đó, tổng sản lượng nhuyễn thể ước tính 1.536 tấn với giá trị khoảng 15,3 tỷ đồng.
Vũ Thuý