- Sáng nay (19/8) từ đảo Phú Quý, thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân đã lên tàu ra hiện trường chỉ đạo cuộc tìm kiếm ngày thứ 4 hai chiếc Su-22 và phi công mất tích.

Đến 14g, theo nguồn tin của VietNamNet tại hiện trường, thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn đang có mặt trên tàu chỉ huy. Đội hình gồm nhiều tàu chia nhỏ từng khu vực tìm kiếm. 

Cụ thể, 3 tàu của Hải Quân có thiết bị quét kim loại bằng sóng siêu âm đang hoạt động tại tọa độ 10.36.18 độ vĩ Bắc, 108.21.18 độ kinh Đông, vị trí được xác định là điểm rơi của 2 máy bay Su - 22M4 gặp nạn.

Trong khi lực lượng đặc công của lữ đoàn đặc công 5 cùng ngư dân đảo Phú Quý vẫn chia thành nhiều tổ để lặn tìm.

{keywords}
Đặc công người nhái đang tiến hành lặn tìm kiếm máy bay SU22. Ảnh: Tuổi trẻ.

Sáng nay, có thêm 1 tàu của lực lượng Cảnh sát biển trang bị cẩu trục và chuyên chở vật nặng, túc trực tại hiện trường. Được biết, nếu trục vớt được các thiết bị từ máy bay Su – 22M4 sẽ được tàu cảnh sát biển chuyên chở, kéo về đất liền.

Đến nay vẫn chưa có thông tin khả quan nào về 2 phi công lái 2 chiếc SU – 22M4 gặp nạn. Nhiều cán bộ chiến sĩ của trung đoàn 937, sư đoàn 370 cho biết, đã chuẩn bị trước, kể cả những tình huống xấu nhất.

Trong những ngày qua tại nhà của phi công, đại úy Nguyễn Anh Tú (chung cư C5, phường Thanh Sơn, TP. Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) có rất đông các đồng đội ở sư đoàn 370 đến động viên, an ủi gia đình...

Người cha già của anh Tú ngồi trầm ngâm suốt ngày đêm. Còn vợ anh Tú, chị Oanh – là nhân viên của một phòng công chứng ở địa phương, ngay sau khi nghe hung tin về chồng gặp nạn khi đang luyện tập trên biển, chị ngất lịm, được đưa vào điều trị ở Bệnh viện trung đoàn 937. Nay chị vừa được đưa về nhà nhưng nằm suốt trong phòng và khóc, không ăn uống được gì.

Vào 11g30 trưa 19/4, Đại tá Đỗ Hồng Đó – Chính ủy Bộ tư lệnh vùng (Cảnh sát biển vùng 3 đóng ở Bà Rịa – Vũng Tàu) xác nhận với VietNamNet, theo sự điều động của Bộ Tư lệnh cảnh sát biển, 2 tàu chuyên dụng của đơn vị này, là tàu CSB 209 và CSB 9001 đã ra hiện trường hỗ trợ công tác tìm kiếm 2 máy bay SU – 22M4 cũng như 2 phi công. 

Đến sáng nay (19/4), hai tàu trên đã ra đến nơi, tham gia vào các công việc theo điều phối. 

Được biết tàu CSB 209 là tàu tuần tra kiểm soát tốc độ cao, trang bị thiết bị tìm kiếm cứu hộ - cứu nạn hiện đại. Còn tàu CSB 9001 là tàu cứu hộ - cứu nạn đa năng, có thể hoạt động trên biển suốt 30 ngày đêm và trong mọi điều kiện thời tiết.  

{keywords}
Tàu tìm kiếm đang di chuyển trên khu vực biển Bình Thuận 

Theo Đại tá Đó, các tàu của lực lượng cảnh sát biển sẽ dùng trang thiết bị truyền những hình ảnh trực tiếp của lực lượng tham gia tìm kiếm tại hiện trường về Bộ tư lệnh cảnh sát biển ở Hà Nội. Tại đây có lãnh đạo của Bộ Quốc phòng và các cơ quan chức năng khác sẽ họp bàn, xem trực tiếp các hình ảnh, từ đó có ý kiến chỉ kịp thời.

Tuy nhiên, theo đại tá Đó “chỉ khi nào chính thức trục vớt các mảnh vỡ tại hiện trường thì mới truyền hình ảnh trực tiếp về Bộ Tư lệnh cảnh sát biển” 

Theo nguồn thông tin từ hiện trường, hiện các tàu dò kim loại của Hải Quân vẫn đang tích cực hoạt động. Do đó, toàn bộ khu vực biển nói trên được phong tỏa; tàu thuyền của ngư dân không được phép đến gần vị trí được xác định là 2 máy bay gặp nạn. 

Hiện tại, sở chỉ huy hiện trường cuộc tìm kiếm đã thiết lập ngay trên tàu Kiểm ngư 781. Ngoài ra còn có 2 sở chỉ huy đặt tại sân bay Thành Sơn (tỉnh Ninh Thuận) và đảo Phú Qúy (tỉnh Bình Thuận)

Sáng 19/4, tại 2 sở chỉ huy là sân bay Thành Sơn đặt tại TP.Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận và tại đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận, các lực lượng tham gia tìm kiếm đã tiến hành họp, lên phương án cho việc tìm kiếm ngày thứ 4 đối với 2 máy bay Su – 22M4 và 2 phi công mất tích.  

{keywords}
Thiếu tướng Độ Minh Tuấn trực tiếp ra hiện trường để chỉ đạo công tác tìm kiếm

Ngay sau đó tại sân bay Thành Sơn có nhiều trực thăng cất cánh bay ra hướng đảo Phú Quý. Còn tại đảo Phú Quý, thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân đã lên tàu ra hiện trường khu vực tìm kiếm, chỉ đạo các lực lượng.

Thiếu tướng Tuấn cho hay, trong ngày tìm kiếm thứ 4 này, các lực lượng đã mở rộng khu vực tìm kiếm, bên ngoài khu vực đã khoanh vùng mấy ngày nay. Về lực lượng tham gia trong ngày 19/4, vị Phó Tư lệnh cho hay, vẫn duy trì sự tham gia, phối hợp của nhiều đơn vị do Quân chủng Phòng không – Không quân làm chủ công nhưng hôm nay sẽ điều động thêm 3 tàu Hải quân có thiết bị dò tìm dưới biển và thêm 12 đặc công nước.  

Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn xác nhận “đã xác được vị trí máy bay rơi. Tàu dùng thiết bị chuyên dụng rà kim loại đang hoạt động để dò tìm và lực lượng người nhái cũng đang lặn để tiếp cận”. 

Một nguồn tin cho hay, máy bay cường kích Su -22M4 khi gặp nạn trong quá trình tập luyện, có chuyên chở theo nhiều loại vũ khí…hạng nặng. Do đó công tác tìm kiếm, trục vớt được tiến hành một cách thận trọng, có sử dụng nhiều thiết bị chuyên dụng, tối tân của quân đội.

{keywords}
Trực thăng tham gia tìm kiếm cất cánh từ đảo Phú Quý

{keywords}
Tàu của lực lượng Biên phòng xuất phát

Như VietNamNet đã thông tin, tính đến chiều tối qua (18/4) lực lượng tại hiện trường đã tìm thấy 1 số hiện vật như: phần đuôi máy bay, các thiết bị buồng lái, khung kính, nhiều thùng dầu…được xác định là của máy bay Su – 22M4 số hiệu 5863.

Đàm Đệ - Lê Huân