Làm chủ công nghệ lõi, phát triển sản phẩm “Make in Vietnam”

“Năm 2017, chúng tôi nhận được yêu cầu cải tiến tác vụ nâng lốp xe, cánh cửa từ một nhà máy sản xuất ô tô. Họ có dây chuyền lắp ráp, công nhân phải xử lý khoảng 70 – 80 sản phẩm/ca, mỗi sản phẩm nặng tới 50 – 60kg, có thể khiến người lao động bị chấn thương lưng, vai, xương, khớp. Với ý tưởng tạo ra sản phẩm giúp giảm thiểu rủi ro cho người lao động, chúng tôi tập trung nghiên cứu sản phẩm tay nâng trợ lực”, ông Lê Đăng Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tay máy Việt Nam (Vietmani) nhớ lại.

Ông Lê Đăng Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tay máy Việt Nam (Vietmani). Ảnh: Bình Minh

Sau một thời gian dài tập trung đầu tư nghiên cứu, trên cơ sở bằng sáng chế Tay nâng trợ lực tự động số 36603 được bảo hộ bởi Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, sản phẩm tay nâng trợ lực của Vietmani đã ra mắt thị trường. Cơ cấu bàn tay kẹp trong tay máy HA hỗ trợ nâng hạ xoay lật được đội ngũ Vietmani tự nghiên cứu và phát triển đã được ứng dụng vào rất nhiều sản phẩm khác nhau. Tay máy dòng HAS với các khớp nối, kết hợp truyền động bằng dây cáp được thiết kế đặc biệt, sẵn sàng di chuyển vật nặng theo bất kỳ hướng nào, giải phóng tối đa sức nặng, tạo điều kiện làm việc an toàn cho người lao động.

Tay nâng trợ lực Vietmani có khả năng trợ lực lên tới 98 – 99%, khi nâng/nhấc một vật nặng tầm 100 – 200kg, thực tế người lao động chỉ phải nâng/nhấc khoảng 1 – 2kg, có thể dễ dàng di chuyển. 

Tay nâng trợ lực đã giúp tăng năng suất lao động cho doanh nghiệp trong các lĩnh vực lắp ráp, công nghệ cao, yêu cầu độ chính xác tuyệt đối, tránh va chạm mạnh có thể ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm đầu ra.

Thế nhưng, “thời gian đầu nghiên cứu phát triển, đã có sản phẩm chúng tôi phải bỏ không dùng được. Trong dây chuyền sản xuất, có công đoạn yêu cầu phải thực hiện xong trong khoảng 15 – 20 giây hoặc 1 phút, nhưng khi áp dụng cánh tay vào lại tăng lên 2 phút. Tác vụ vẫn tốt nhưng làm việc chậm thì buộc phải bỏ thôi. Sản phẩm đầu tiên đã bị tháo xuống, cho đi tái chế”, ông Thắng kể.

Thất bại đồng nghĩa với mất chi phí, thời gian, cơ hội. Song Vietmani không vì thất bại mà vội nản chí.

“Giống như nhiều người Việt khác, chúng tôi có một phần tự tôn. Thất bại lần này lại là động lực để thúc đẩy khả năng sáng tạo. Chấp nhận lỗi rồi cố gắng cải tiến để không mắc phải lỗi đó thêm lần nào nữa. Chúng tôi không từ bỏ mà tiếp tục nghiên cứu, cải tiến sản phẩm sao cho nhẹ nhàng, linh hoạt, thân thiện hơn với người dùng. Tiêu chí làm sản phẩm là sao cho “người dùng cảm thấy cần thiết phải dùng”. Ít lâu sau, sản phẩm tay nâng trợ lực của Vietmani bắt đầu được khách hàng chấp nhận”, Tổng Giám đốc Vietmani chia sẻ.

Năm 2020, với sự hỗ trợ từ quỹ đầu tư thiên thần của Tập đoàn VinGroup, Vietmani có cơ hội tập trung sâu về nghiên cứu và phát triển công nghệ lõi. Năm 2021, doanh nghiệp Việt này đưa ra thị trường những sản phẩm thế hệ mới, đáp ứng yêu cầu cao về chất lượng của các nhà máy FDI. 

“Các nhà máy sản xuất công nghiệp luôn quan tâm tới công thái học, nhân trắc học, và luôn đặt ưu tiên hàng đầu về chế độ vận hành an toàn. Đáp ứng những tiêu chuẩn đấy, chúng tôi đưa được sản phẩm tay nâng trợ lực “Make in Vietnam” đến các công ty toàn cầu đang hoạt động tại Việt Nam như Ford, Toyota, Hyundai, Mitsubishi, Sumitomo… Việc họ chấp nhận sản phẩm của mình cũng là kiểm chứng cho chất lượng sản phẩm”, ông Thắng kể tiếp.

Vốn tốt nghiệp khoa Cơ điện tử của Đại học Bách khoa, vị Tổng Giám đốc thế hệ 8x hiểu rất rõ, công nghệ thay đổi từng ngày, dừng lại đồng nghĩa thụt lùi so với nhiều người khác. Vì thế, ông xác định: “Vietmani phải liên tục cải tiến để phát triển, không thể dừng một điểm rồi thỏa mãn chính mình”.

Vietmani có riêng một phòng R&D, chuyên tập trung phát triển sản phẩm mới. Liên tục đầu tư nghiên cứu và phát triển để hoàn thiện hơn nữa sản phẩm, công ty đang có chỗ đứng khá tốt trên thị trường. Nhiều người biết tới Vietmani như một thương hiệu Việt đã chế tạo thành công, làm chủ công nghệ lõi hoàn chỉnh về sản phẩm tay nâng trợ lực.

Vietmani hiện có đa dạng dòng sản phẩm tay nâng trợ lực. Ảnh: Bình Minh

Vietmani sở hữu đa dạng dòng sản phẩm tay nâng trợ lực, có thể đáp ứng các nhu cầu của khách hàng về chủng loại, kích cỡ (từ 20kg đến 1 tấn)... Nhà máy sản xuất tại Thạch Thất (Hà Nội) đang vận hành với công suất khoảng 200 cánh tay trợ lực/năm. Nhưng đó chưa phải công suất tới hạn. 

“Nhu cầu thị trường lớn bao nhiêu, chúng tôi cũng có thể đáp ứng được”, ông Thắng khẳng định.

Sứ mệnh trở thành công ty toàn cầu

Bán được sản phẩm cho các doanh nghiệp FDI đồng nghĩa đang kiếm được tiền từ doanh nghiệp nước ngoài, có thể coi là một hoạt động xuất khẩu ngay tại trong nước.

Khách hàng khó tính không chỉ sử dụng sản phẩm mà còn đưa ra những bài toán cụ thể, tiêu chí nghiệm thu rõ ràng, buộc Vietmani phải đáp ứng mới có thể bán được hàng. Đây vừa là thách thức, khó khăn, vừa là cơ hội để Vietmani hiểu được thực tế thị trường đang thực sự cần gì, từ đó có những bước tiến nhanh chóng về công nghệ và sản phẩm.

Cùng với việc mở rộng thị trường và khách hàng trong nước, Vietmani tự đặt cho mình sứ mệnh phải trở thành công ty toàn cầu.

“Mục tiêu toàn cầu hóa nằm trong chiến lược của chúng tôi. Ra toàn cầu có nghĩa là mình được trải nghiệm ở một tiêu chuẩn cao hơn, đội ngũ Vietmani sẽ phát triển tốt hơn. Nếu chỉ thu hẹp hoạt động trong nước sẽ rất khó để phát triển”, Tổng Giám đốc Vietmani nhìn nhận.

Đông Nam Á là thị trường rất tốt, có lợi thế miễn thuế xuất khẩu. Một số nhà máy, đối tác của Vietmani đang có cơ sở ở Đông Nam Á, có thể trở thành một kênh đưa sản phẩm Việt tiếp cận thị trường khu vực. Thông qua kênh “từ khách hàng tới khách hàng”, tay nâng trợ lực của Vietmani đã sang Thái Lan, nhận phản hồi tích cực.

Khó khăn lớn nhất trên hành trình “xuất ngoại” lúc này là nhân sự. Đối với lĩnh vực kỹ thuật, đặc biệt là cơ điện tử, nhân sự vừa phải có kiến thức chuyên sâu vừa phải có ngoại ngữ. Thật khó kiếm được ngay trên thị trường những người hội tụ đủ những điều kiện đó. Vietmani vẫn đang phải tự gây dựng đội ngũ thông qua việc tuyển dụng xong tiếp tục đào tạo và đào tạo lại.

Một trong nhân vật truyền cảm hứng cho Tổng Giám đốc Vietmani là tỷ phú Phạm Nhật Vượng: “Bác Vượng là một tấm gương để thế hệ trẻ cần suy ngẫm về việc dám nghĩ - dám làm - dám chịu trách nhiệm và có khát vọng lớn. Muốn hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 – 2040, Việt Nam trở thành “con rồng châu Á”, thì phải có những người như vậy”.

Từng tham gia Chương trình Newton Việt Nam, được các chuyên gia Học viện Kỹ thuật Hoàng gia Vương Quốc Anh đào tạo, vị Tổng Giám đốc 8x nhận thấy, một trong những yếu tố quan trọng nhất đối với sự phát triển của doanh nghiệp chính là Innovation (sự đổi mới), gắn với thị trường tiềm năng trong 10 – 20 năm hoặc dài hơn. Vì thế, những hoạch định chiến lược dài hơi đã và đang được lãnh đạo Vietmani ấp ủ, kèm theo những kế hoạch cụ thể.

“Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là mang sản phẩm Việt ra nước ngoài, thu ngoại tệ về cho đất nước, nâng tầm vị thế sản phẩm của Việt Nam. Có mấy kênh để đi ra nước ngoài như: Đưa sản phẩm vào kênh thương mại điện tử; tìm tới các tổ chức hỗ trợ xúc tiến thương mại; thiết lập văn phòng tại các quốc gia khác…. Chúng tôi đang tiếp tục tìm những hướng đi phù hợp để sớm hiện thực hóa sứ mệnh trở thành công ty toàn cầu”, ông Thắng nói.

Với những nỗ lực chinh phục thị trường quốc tế, mở rộng sản xuất kinh doanh và liên tục cập nhật, cải tiến công nghệ, Vietmani đang góp phần nâng tầm vị thế công nghiệp Việt Nam trên thế giới.

Giáo sư Lê Chí Hiếu, Đại học Greenwich, Vương Quốc Anh

Để một sản phẩm công nghệ như tay nâng trợ lực có thể thương mại hóa ở thị trường quốc tế, yêu cầu quan trọng đầu tiên đó là, Vietmani cần phải bảo đảm được quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm, đặc biệt là các sáng chế liên quan tới chức năng của sản phẩm, phương thức vận hành và điều khiển sản phẩm cho các ứng dụng trong công nghiệp, cũng như các quyền sở hữu trí tuệ liên quan tới kiểu dáng và mẫu mã sản phẩm. Bên cạnh đó, sản phẩm được thiết kế và chế tạo bởi Vietmani cần phải đáp ứng tốt các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế và tiêu chí kỹ thuật của quốc gia mà sản phẩm được thương mại hóa, trọng tâm là các tiêu chí về an toàn và chất lượng sản phẩm. 

Để thành công trong việc thương mại hóa sản phẩm công nghệ được thiết kế và chế tạo ở Việt Nam trên thị trường quốc tế, Vietmani cần phải có chiến lược phát triển và đổi mới sản phẩm một cách bền vững với từng thị trường cụ thể, đặc biệt là các giải pháp hiệu quả về chi phí, đa dạng hóa chức năng và phạm vi ứng dụng cũng như chủng loại sản phẩm và dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật liên quan. 

Dưới tác động của xu hướng sản xuất thông minh, Vietmani cần có đầu tư nghiên cứu và đổi mới sản phẩm với chiến lược "thông minh hóa” sản phẩm, tích hợp các phân tử và cảm biến thông minh, để sản phẩm tay máy trợ lực có thể tích hợp vào các hệ thống sản xuất thông minh với sự xuất hiện của các robot cộng tác và hệ thống xe tự hành.

 Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn, Giảng viên Khoa Cơ khí - Cơ điện tử, Trường Đại học Phenikaa:

Tay nâng trợ lực đã được ứng dụng nhiều trong các nhà máy lắp ráp ô tô, xe máy, hoặc các nhà máy sản xuất có nhiều sản phẩm nặng cần vận chuyển nhưng chưa tự động hóa hoàn toàn. 

Trên thị trường hiện có nhiều loại tay nâng trợ lực, hoạt động bằng khí nén, thủy lực hoặc điện; giá thành rẻ hơn robot, khả năng vận hành linh hoạt hơn (robot mang tải khoảng 20 – 30kg thì kích thước phải rất lớn, tầm với của robot chỉ khoảng 2 – 2,5m; còn tay máy có thể với tới 5 – 6m, kích thước gọn hơn vì thiết kế đơn giản hơn). Dư địa phát triển của sản phẩm này trên thị trường rất lớn.

Vietmani là một trong những doanh nghiệp đã làm được sản phẩm tay nâng trợ lực “Make in Vietnam”, có nhiều ưu thế cạnh tranh so với sản phẩm ngoại nhập, và có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới.

Bình Minh